Loại tên lửa Ukraine có thể sử dụng để bắn rơi oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 của Nga

Ukraine hôm 20/4 tuyên bố bắn rơi một oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 của Nga trong khi Bộ Quốc phòng Nga nói máy bay rơi do "trục trặc kỹ thuật". Thông tin về loại tên lửa được sử dụng sau đó được một quan chức cấp cao Ukraine tiết lộ.

Ukraine đã tái kích hoạt các tổ hợp phòng không S-200 trong cuộc xung đột với Nga.

Ukraine đã tái kích hoạt các tổ hợp phòng không S-200 trong cuộc xung đột với Nga.

Theo tờ Kyiv Independent, chiếc Tu-22M3 rơi ở vùng Stavropol Krai của Nga vào ngày 19/4. Máy bay bị rơi khi đang thực hiện nhiệm vu chiến đấu, phóng tên lửa tầm xa nhằm vào các mục tiêu ở Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga nói máy bay rơi trong quá trình quay trở về căn cứ do “trục trặc kỹ thuật”. Hôm 19/4, Nga huy động các oanh tạc cơ Tu-22M3 để phóng 15 tên lửa tầm xa, bao gồm 6 tên lửa Kh-22, không quân Ukraine cho biết.

Tuy nhiên, Trung tướng Kyrylo Budanov, lãnh đạo cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), nói oanh tạc cơ Tu-22M3 của Nga bị tên lửa đánh trúng ở khoảng cách 308km, sau một tuần Kiev lên kế hoạch phục kích. Không quân và tình báo quân sự Ukraine đứng sau kế hoạch này, ông Budanov tiết lộ.

“Chúng tôi đã chờ đợi thời cơ. Cách thức và vũ khí được sử dụng tương tự như cách chúng tôi bắn rơi máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga”, ông Budanov nói thêm.

Theo tờ Kyiv Independent, ông Budanov ám chỉ quân đội sử dụng tên lửa phòng không S-200 để bắn rơi máy bay A-50 vào tháng 3/2024 và gần đây là oanh tạc cơ Tu-22M3.

S-200 là mẫu tên lửa phòng không lần đầu xuất hiện thời Liên Xô những năm 1960 và đến nay được nâng cấp nhiều lần. Đây là hệ thống phòng không tầm xa được thiết kế để bắn rơi các oanh tạc cơ và máy bay chiến lược thời Chiến tranh lạnh.

Đạn tên lửa S-200 có tầm bắn xa nhất lên tới 300km và tầm cao 40km. Mỗi quả tên lửa 5V28V nặng 7,1 tấn và dài 11 mét. Nhược điểm của hệ thống này là chỉ đóng vai trò phòng thủ cố định. Việc di chuyển hệ thống và triển khai ở một khu vực cụ thể mất nhiều thời gian.

Theo các chuyên gia quân sự, tên lửa S-200 được Ukraine sử dụng do các nước láng giềng như Ba Lan hoặc Bulgaria cung cấp.

Ukraine từng loại bỏ các hệ thống phòng không S-200 của nước này vào năm 2013. Kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022, Ukraine đã khôi phục hệ thống phòng không S-200, sử dụng vật tư và đạn tên lửa do đồng minh cung cấp. Số lượng tổ hợp S-200 mà Ukraine sở hữu không được tiết lộ.

Theo tờ Kyiv Independent, dấu hiệu cho thấy Ukraine sử dụng trở lại các tổ hợp phòng không S-200 là vào mùa hè năm 2023. Ukraine không chỉ sử dụng tên lửa S-200 vào mục đích phòng không mà còn vận hành như tên lửa đối đất để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea.

Andrii Kharuk, nhà sử học Ukraine và là chuyên gia về vũ khí, nói Kiev không còn sản xuất đạn tên lửa S-200 mới nhưng có thể can thiệp vào các tên lửa sẵn có hoặc do đồng minh cung cấp để phục vụ các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau.

“S-200 là hệ thống phòng không tầm xa có khả năng phòng thủ ở các khu công nghiệp lớn, đe dọa các máy bay Nga tiếp cận biên giới Ukraine và vẫn là khí tài phòng không mang tính răn đe hiệu quả”, tờ Militarnyi của Ukaine bình luận.

Nga và Ukraine có những phản ứng ban đầu sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật hỗ trợ ngân sách trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Kyiv Independent ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN