Loài khiến 700.000 người chết mỗi năm bị "triệt sản" bằng công nghệ hạt nhân ở TQ
Biện pháp mới được đánh giá cao bởi hiệu quả lâu dài mà không gây ô nhiễm hóa chất, ảnh hưởng tới các sinh vật khác.
Trung Quốc áp dụng công nghệ hạt nhân để "triệt sản" muỗi đực. Ảnh minh họa: IC
Theo Thời báo Hoàn cầu, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong việc kiểm soát các bệnh chết người do muỗi gây ra, bằng cách áp dụng công nghệ hạt nhân trong các dự án diệt trừ loài này.
Ứng dụng công nghệ hạt nhân chống muỗi là kỹ thuật sử dụng bức xạ để triệt tiêu khả năng sinh sản của muỗi đực. Khi thả ra ngoài môi trường, các con đực bị "triệt sản" này sẽ giao phối với con cái nhưng không sinh ra thế hệ muỗi con tiếp theo. Các nhà nghiên cứu tập trung vào muỗi đực vì chúng không hút máu loài khác như muỗi cái.
Theo truyền thông địa phương, Cơ quan năng lượng nguyên tử (IAEA) đã khen ngợi nghiên cứu chống muỗi này của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ hạt nhân (NTRDC), thuộc Cơ quan năng lượng nguyên tử Trung Quốc (CAEA).
Là một ví dụ về ứng dụng xanh của công nghệ hạt nhân, kỹ thuật diệt muỗi vô trùng bằng công nghệ hạt nhân có hiệu quả mạnh mẽ, lâu dài, không gây ô nhiễm hóa chất có hại cho các sinh vật khác hoặc không phải lo tình trạng muỗi kháng thuốc, theo Wu Zhongdao - giám đốc NTRDC.
Ông Wu lưu ý, đây là công nghệ sinh học hiện đại duy nhất có tiềm năng diệt trừ muỗi trong một khu vực cụ thể và kiểm soát sự lây truyền dịch bệnh.
Theo WHO, mỗi năm số người chết liên quan tới các bệnh về muỗi là khoảng 70 vạn người. Ảnh minh họa: News.cn
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm có 700.000 người tử vong do các bệnh liên quan tới muỗi.
Nam Phi đã phải hứng chịu các đợt bùng phát dịch sốt rét nghiêm trọng, khiến một số lượng lớn người tử vong.
Zhang Dongjing, thành viên nhóm nghiên cứu tại NTRDC, đã tới thành phố Johannesburg, Nam Phi, năm 2020 để hướng dẫn và hỗ trợ Trung tâm các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi về kỹ thuật "triệt sản" muỗi. Theo ông Zhang, kỹ thuật này giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh ở Nam Phi.
Ngoài trung tâm nghiên cứu của CAEA, Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc) cũng thành lập một nhà máy "sản xuất muỗi bị triệt sản". Với số lượng dự kiến khoảng 40-50 triệu con muỗi bị "triệt sản" được tạo ra trong một tuần, Trung Quốc có thể đóng góp lớn trong việc kiểm soát các bệnh do muỗi gây ra ở các nước đang phát triển và giải quyết các thách thức chăm sóc sức khỏe của cộng đồng quốc tế.
Dù được xem là lỗi thời với nhiều nước, loại vũ khí do người Đức phát minh trong Thế chiến I vẫn được quân đội...
Nguồn: [Link nguồn]