Lo xung đột với Nga ở Lithuania, EU thỏa hiệp vấn đề Kaliningrad?
Việc vận chuyển hàng hóa từ Nga đến vùng lãnh thổ Kaliningrad qua Lithuania có thể bình thường trở lại trong vài ngày tới, Reuters dẫn 2 nguồn thạo tin về vấn đề này cho hay.
Các toa tàu chở hàng từ Nga đến Kaliningrad (ảnh: Reuters)
Hôm 30.6, Reuters đưa tin, các nhà lãnh đạo EU đang thảo luận về việc miễn trừ lệnh trừng phạt đối với hàng hóa nằm trong danh mục bị hạn chế, nhưng được vận chuyển “từ lãnh thổ Nga đến lãnh thổ Nga”.
Trước đó, hôm 18.6, Lithuania đã ra lệnh cấm vận chuyển hàng hóa Nga có trong danh sách trừng phạt của EU qua lãnh thổ. Hàng hóa bị cấm bao gồm than đá, kim loại, vật liệu xây dựng và thiết bị công nghệ tiên tiến. Lithuania tuyên bố nước này đang thực thi lệnh trừng phạt Nga của EU.
Trích dẫn một nguồn tin (giấu tên), Reuters cho biết, trong khi NATO muốn “làm căng” với Nga, EU lại cho rằng, không nên thách thức Moscow về vấn đề lãnh thổ.
“Đó là lý do vì sao giới lãnh đạo EU, dưới sự thúc giục của Đức, đang tìm kiếm sự thỏa hiệp nhằm giải quyết bất đồng của họ với Nga”, nguồn tin cho hay.
Theo nguồn tin của Reuters, EU lo ngại, nếu tuyến đường vận chuyển hàng hóa truyền thống của Nga qua Lithuania không được khôi phục, Moscow có thể dùng quân đội mở một hành lang đường bộ qua lãnh thổ nước láng giềng đến Kaliningrad. Nếu kịch bản này xảy ra, lực lượng Đức đang đóng quân ở Lithuania có thể bị cuốn vào một cuộc chiến không đáng có.
Mặt khác, Đức – nền kinh tế trong EU phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt Nga – cũng lo ngại có thể bị tổn thương nếu Nga cắt giảm thêm khí đốt do căng thẳng với Lithuania leo thang.
“Chúng ta cần nhìn vào thực tế. Nga có nhiều lý do để đưa ra phản ứng cứng rắn. Việc tìm kiếm một thỏa hiệp sẽ có lợi hơn cho EU”, một nguồn tin từ EU nói với Reuters.
Theo Reuters, lệnh hạn chế vận chuyển đối với hàng hóa Nga đến Kaliningrad có thể được EU dỡ bỏ vào tuần sau hoặc ngày 10.7.
“EU có thể dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt. Lý do là hàng hóa vận chuyển từ Nga đến Kaliningrad không phải thương mại quốc tế. Đó chỉ được coi là vận chuyển hàng hóa trong nội địa Nga”, nguồn tin của Reuters cho hay.
Nguồn: [Link nguồn]
Tại một trong những hội nghị quan trọng nhất của NATO kể khi thành lập, khối này đã đồng ý mời 2 nước Bắc Âu gia nhập và coi Nga là mối đe dọa số một.