Lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu khởi chạy sau 14 năm trì hoãn
Trong khi Đức tắt toàn bộ lò phản ứng hạt nhân, một quốc gia khác thuộc EU lại khởi động lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Quy mô lò phản ứng hạt nhân OL3 của Phần Lan (ảnh: Reuters)
Hôm 16/3, lò phản ứng hạt nhân Olkiluoto 3 (OL3) ở Tây Nam Phần Lan bắt đầu sản xuất điện, công ty Teollisuuden Voima (TVO) – nhà vận hành OL3 – thông báo.
OL3 với công suất 1,6 gigawatt là lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu và lớn thứ 3 thế giới.
Ông Jarmo Tanhua – Chủ tịch TVO – cho biết, OL3 sẽ hoạt động ít nhất 60 năm và cung cấp 14% nhu cầu tiêu thụ điện của Phần Lan.
“Việc vận hành OL3 sẽ giúp ổn định giá điện và đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Phần Lan”, ông Tanhua nói.
OL3 được khởi công xây dựng từ năm 2005 và dự kiến bắt đầu vận hành vào năm 2009. Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong thiết kế và tranh chấp pháp lý khiến dự án bị “treo” suốt 14 năm.
Tháng 3 năm ngoái, lò phản ứng OL3 được kết nối với lưới điện Phần Lan. Khi chạy thử nghiệm, OL3 tiếp tục gặp sự cố kỹ thuật.
OL3 là lò phản ứng thứ 3 của nhà máy điện hạt nhân Olkiluoto. Hai lò phản ứng đầu tiên (OL1 và OL2), được vận hành lần lượt vào năm 1978 và 1980. Trong năm 2021, Olkiluoto sản xuất khoảng 1/6 lượng điện tiêu thụ của Phần Lan.
OL3 là lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu (ảnh: Reuters)
Bên trong lò phản ứng OL3 (ảnh: Reuters)
OL3 được cho là có thể giúp Phần Lan bù đắp lượng điện thiếu hụt sau khi Nga “cắt” nguồn xuất khẩu điện vào tháng 5/2022.
Theo Reuters, năng lượng hạt nhân là vấn đề gây tranh cãi ở châu Âu.
Hôm 15/4, Đức đã tắt 3 lò phản ứng hạt nhân cuối cùng ở nước này, trong khi các nước như Thụy Điển, Pháp, Phần Lan và Anh lại có kế hoạch mở rộng.
3 nhà máy điện hạt nhân nói trên cung cấp 6% lượng điện tiêu thụ của Đức vào năm ngoái.
“Sớm hay muộn các lò phản ứng sẽ bị loại bỏ”, Bộ trưởng Kinh tế Đức – ông Robert Habeck – nói.
Động thái của Đức thể hiện sự tự tin trong bảo đảm an ninh năng lượng khi Nga giảm nguồn cung khí đốt, năng lượng sang châu Âu. Đức tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ điện hạt nhân để hoàn thành mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2045.
Nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang kéo theo những hệ lụy ngày càng nặng nề, các quốc gia châu Âu đã quyết định “hồi sinh” các nhà máy điện hạt nhân...
Nguồn: [Link nguồn]