Lo Pakistan đưa quân đến Qatar, Ả Rập Saudi ra tối hậu thư
Quốc vương Ả Rập Saudi đã ra tối hậu thư, yêu cầu Pakistan thể hiện rõ lập trường trong cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nawaz Sharif.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (trái) gặp Quốc vương Ả Rập Saudi Salman.
Theo India Times, Pakistan tuần trước đã bác bỏ thông tin nói rằng nước này chuẩn bị điều 20.000 quân đến Qatar, trong bối cảnh Ả Rập Saudi và đồng minh tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao.
Nafees Zakaria, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan, cho rằng "những thông tin sai trái này dường như là một phần chiến dịch thâm độc nhằm gây hiểu lầm giữa Pakistan và các nước Hồi giáo anh em ở vùng Vịnh”.
Dường như tuyên bố này chưa làm hoàng gia Saudi yên tâm nên Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif mới đây đã dẫn phái đoàn đến gặp Quốc vương Ả Rập Saudi tại thành phố ven biển Jeddah.
Nguồn tin ngoại giao Pakistan cho biết, đích thân Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud yêu cầu Islamabad đưa ra lập trường rõ ràng về vấn đề Qatar.
“Các ông (Pakistan) muốn làm bạn với chúng tôi hay với Qatar”, vua Salman nói, theo nguồn tin ngoại giao Pakistan.
Đáp lời Quốc vương Salman, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif khẳng định Islamabad duy trì lập trường trung lập, không đứng về phía bên nào trong cuộc khủng hoảng ở Trung Đông.
Chuyến thăm của Thủ tướng Pakistan diễn ra sau khi có tin nước này chuẩn bị đưa 20.000 quân đến Qatar.
Pakistan đã lựa chọn con đường thận trọng kể từ khi Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh cắt quan hệ với Qatar, cáo buộc Doha tài trợ khủng bố. Nhưng Ả Rập Saudi muốn Pakistan đứng về phía nước này.
“Pakistan cũng bày tỏ nguyện vọng làm trung gian giải quyết căng thẳng ở vùng Vịnh. Với mục đích này, Thủ tướng Pakistan sẽ đến thăm Kuwait, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới”, nguồn tin ngoại giao nói.
Đi cùng phái đoàn Pakistan đến Ả Rập Saudi có Tổng tư lệnh quân đội Pakistan Qamar Javed Bajwa và các quan chức cấp cao khác. Nguồn tin nói, chuyến thăm của Thủ tướng Pakistan không đạt được kết quả đột phá nào.
Trong khi đó, Qatar nhiều lần bày tỏ quan điểm muốn giải quyết bất đồng thông qua ngoại giao.
Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà nhóm các nước Hợp tác vùng Vịnh (GCC) phải đối mặt trong gần 4 thập kỷ tồn tại, dù quan hệ giữa Qatar và các nước Ả Rập láng giềng không phải lúc nào cũng tốt đẹp.
Việc Ả Rập Saudi và đồng minh đồng loạt cắt quan hệ với Qatar, đẩy nước này vào thế xích lại gần một quốc gia mà...