Lo ngại Trung Quốc, Úc vội vã cử đặc vụ đến Quần đảo Solomon
Úc cùng cử hai quan chức tình báo cấp cao nhất đến Quần đảo Solomon trong bối cảnh quốc gia Thái Bình Dương này gần đây ký hiệp ước an ninh có phần tranh cãi với Trung Quốc.
Cuối tháng 3, giới chức Quần đảo Solomon cho biết họ đã ký thỏa thuận hợp tác an ninh với Trung Quốc. Theo dự thảo được tiết lộ, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại quốc đảo này. Bắc Kinh cũng có thể triển khai "các lực lượng thích hợp", bao gồm cảnh sát vũ trang và quân đội, để bảo vệ nhân viên cùng dự án của họ ở Quần đảo Solomon.
Thỏa thuận đôi bên cũng nêu rõ Quần đảo Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc triển khai cảnh sát vũ trang, binh sĩ, lực lượng vũ trang và lực lượng hành pháp của nước này tới quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh.
Khi thỏa thuận giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon được công bố đã ngay lập tức gây ra tranh cãi. Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng thỏa thuận an ninh là "mối lo ngại lớn cho đại gia đình Thái Bình Dương", trong khi Thủ tướng New Zealand Jacinta Ardern hôm 28-3 gọi đây là "hoạt động quân sự hóa tiềm tàng trong khu vực".
Quần đảo Solomon bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền và chính sách đối ngoại độc lập của mình trong những tuần gần đây. ẢNH: REUTERS
Trong bối cảnh đó, Úc đã cử hai quan chức tình báo cấp cao nhất đến Quần đảo Solomon để thảo luận về vấn đề này. Trên website của chính phủ, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare đã trấn an rằng "Úc vẫn là đối tác được lựa chọn" và nước này sẽ duy trì chính sách "làm bạn với tất cả, chứ không trở thành kẻ thù của bất cứ ai".
Kèm với tuyên bố trên, chính phủ Quần đảo Solomon cho đăng bức ảnh Thủ tướng Manasseh Sogavare chụp cùng với ông Paul Symon, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Mật vụ Úc và ông Andrew Shearer, Tổng giám đốc Văn phòng Tình báo Quốc gia Úc.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) đã xác nhận chuyến đi của hai quan chức tình báo cấp cao nhất của họ đến Quần đảo Solomon, tại phiên điều trận của thượng viện ở Canberra, ngày 7-4, theo Bloomberg.
Úc và đối tác an ninh Mỹ từ lâu đã lo ngại về khả năng có căn cứ quân sự Trung Quốc đặt ở Thái Bình Dương, điều này cho phép quân đội Bắc Kinh hoạt đồng gần hơn với họ. Thực tế, về khoảng cách địa lý Quần đảo Solomon chỉ cách Úc khoảng 2.000 km.
Tuy nhiên, Thủ tướng Manasseh Sogavare hôm 1-4 nói rằng hiệp ước sẽ không yêu cầu Bắc Kinh xây căn cứ quân sự ở quốc đảo Thái Bình Dương này.
Trong tuyên bố hôm 6-4, chính quyền Quần đảo Solomon cho biết cuộc gặp với phái viên Úc đã cho phép cả hai nước "hiểu nhau hơn về thỏa thuận với Trung Quốc" và đây thực chất chỉ là "hoàn toàn tập trung vào đối nội" của họ.
Trung Quốc đang tiến gần hơn bao giờ hết với tham vọng sở hữu một căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương.
Nguồn: [Link nguồn]