Lo ngại nguy cơ leo thang quan hệ Mỹ - Nga

Việc Nga và Mỹ liên tục có nhiều động thái rắn với nhau thời gian gần đây làm dấy lên lo ngại quan hệ hai bên vốn không mấy tốt đẹp sẽ càng căng thẳng, nguy hiểm.

Quan hệ Mỹ - Nga vốn đã lạnh nhạt với nhiều bất đồng dai dẳng càng trở nên căng thẳng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Thực tế này khiến giới quan sát lo ngại nguy cơ quan hệ hai cường quốc sẽ càng nóng thêm, gây hệ lụy nguy hiểm không chỉ cho hai bên mà cả thế giới.

Lính Ukraine trong một lần nhận lô hàng tên lửa vác vai Javelins của Mỹ.

Lính Ukraine trong một lần nhận lô hàng tên lửa vác vai Javelins của Mỹ.

Căng thẳng leo thang

Trả lời phỏng vấn đài CNN, Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan nói rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã đẩy quan hệ Mỹ - Nga xuống vực thẳm. Một trong những lý do đó là những lệnh trừng phạt “ăn miếng trả miếng” của hai bên kể từ khi chiến sự bùng nổ.

Mỹ trừng phạt hàng loạt tổ chức tài chính, ngân hàng lớn của Nga, trong đó có các ngân hàng quốc gia và tư nhân lớn nhất Nga là Sberbank và Alfa-Bank. Mỹ cũng cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và than từ Nga. Đáp trả, Nga cấm xuất hơn 200 mặt hàng, nguyên liệu thô sang “các nước không thân thiện” trong đó có Mỹ và buộc các nước này thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp.

Mỹ trừng phạt hàng loạt doanh nhân, quan chức, lãnh đạo Nga, bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trả đũa, Nga cấm nhập cảnh hơn 1.000 người Mỹ, bao gồm Tổng thống Joe Biden. Trong khi Mỹ cấm sóng các đài truyền hình lớn của Nga như NTV, Russia-1, One Russia thì Nga cũng cấm nhiều cơ quan truyền thông phương Tây, gồm tờ The New York Times.

Quan hệ ngày càng xấu đi khi Mỹ liên tục viện trợ quân sự cho Ukraine bất chấp Nga không ngừng cảnh cáo. Gần nhất, ngày 8-8, Mỹ công bố gói hỗ trợ an ninh trị giá 1 tỉ USD cho Ukraine - gói viện trợ quân sự lớn nhất kể từ khi xung đột nổ ra. Trước đó, Mỹ đã gửi cho Ukraine nhiều vũ khí hiện đại, bao gồm 16 hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Nga cảnh báo phá hủy các lô viện trợ của Mỹ, đe dọa mở rộng tiến công các mục tiêu mới ở Ukraine và báo động về nguy cơ chiến tranh thế giới thứ ba.

Ngày 27-7, Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết không ràng buộc, kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ “dán nhãn” Nga là nước tài trợ khủng bố. Nếu bị liệt vào danh sách đen này, Nga sẽ hứng nhiều lệnh trừng phạt hơn và các nước làm ăn với Nga cũng sẽ vướng trừng phạt, theo The New York Times. Ngày 2-8, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng nếu bị liệt vào danh sách tài trợ khủng bố thì Nga sẽ “cắt đứt quan hệ ngoại giao” với Mỹ, theo hãng thông tấn TASS. Trước đó, ngày 31-7, Tổng thống Nga Putin phê duyệt học thuyết hải quân mới, chỉ ra những thách thức lớn của Nga là đường lối chiến lược của Mỹ nhằm thống trị các đại dương thế giới và sự mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo đài RT.

Không bên nào muốn xung đột

Giới quan sát lo ngại rằng với tình hình căng thẳng nói trên thì nguy cơ xung đột trực diện sẽ ngày càng lớn. Theo GS Chris Blattman tại Trường Chính sách công Harris thuộc ĐH Chicago (Mỹ), thêm một ngày chiến sự ở Ukraine là thêm một nguy cơ khiến chiến tranh thế giới bùng nổ. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev từng cảnh báo việc NATO bơm vũ khí cho Ukraine, huấn luyện quân Ukraine, gửi lính đánh thuê đến Ukraine và tập trận gần biên giới Nga làm tăng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp và công khai giữa NATO và Moscow.

Nhà phân tích chính sách Shannon Bugos và Giám đốc điều hành Daryl Kimball của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (Mỹ) cho rằng nếu xảy ra xung đột giữa Mỹ và NATO với Nga thì nguy cơ cao sẽ leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Ý thức được hiểm họa khôn lường đó, dù căng thẳng nhưng Mỹ và Nga vẫn kiềm chế tránh để tình hình trở nên không thể cứu vãn được. Cựu quan chức tình báo Mỹ Andrea Kendall-Taylor hiện làm việc tại Trung tâm An ninh Mỹ nhận xét rằng trong chiến sự Ukraine, Mỹ đang tìm cách cân bằng giữa một bên là duy trì hỗ trợ Ukraine và một bên là tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga. Về phía Nga, dù cuối tháng 2 ông Putin đã ra báo động các lực lượng hạt nhân Nga nhưng đến đầu tháng 8 ông vẫn nêu quan điểm chiến tranh hạt nhân không bao giờ được xảy ra vì sẽ không có bên nào chiến thắng.

Theo hai ông Bugos và Kimball, để tránh nguy cơ xảy ra xung đột giữa Nga và khối NATO (trong đó có Mỹ) thì lãnh đạo các bên nên duy trì các đường dây liên lạc trực tiếp, nối lại đối thoại ổn định chiến lược, kiềm chế các hành động khiêu khích như đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật ra khỏi kho và lên kế hoạch triển khai, đồng thời làm việc với Ukraine để thỏa thuận lệnh ngừng bắn.•

Ba kịch bản có thể đẩy Mỹ và Nga vào xung đột

Theo GS Chris Blattman tại Trường Chính sách công Harris thuộc ĐH Chicago (Mỹ), ở tầm chiến lược, có ba kịch bản có thể đẩy Mỹ và Nga vào xung đột. Thứ nhất, NATO (trong đó có Mỹ) muốn răn đe những đối thủ tiềm tàng, tạo dựng uy thế. Nếu NATO đối xử nhẹ nhàng với Nga chỉ vì Nga có vũ khí hạt nhân thì điều này sẽ gửi thông điệp đến các nước khác rằng vũ khí hạt nhân là “kim bài miễn tử”, cần phải sở hữu chúng càng sớm càng tốt.

Thứ hai, Ukraine hoặc NATO có thể vô tình tạo cho Nga động cơ để tấn công phòng ngừa. Giả sử trong trường hợp Ukraine tập trung lực lượng và vũ khí hạng nặng hoặc NATO gửi vũ khí “nặng đô” hơn Ukraine, Nga có thể dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc đẩy mạnh bao vây tấn công, bao gồm vào kho tiếp nhiên liệu của NATO, kéo phương Tây vào cuộc chiến.

Thứ ba, dư luận ở phương Tây và ở Ukraine có thể gây áp lực khiến Kiev bỏ lỡ một thỏa thuận hòa bình với Nga khiến xung đột Ukraine - Nga không có hồi kết, nguy cơ bùng lên thành chiến tranh NATO - Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Zelensky cảnh báo binh sĩ Nga ở nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 13/8 cảnh báo bất cứ binh sĩ Nga nào bắn vào nhà máy hạt nhân điện Zaporizhzhia hoặc sử dụng nhà máy làm cứ điểm để tổ chức tấn công,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC HIỀN ([Tên nguồn])
Quan hệ Nga - Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN