Lo ngại ‘bóng ma mệt mỏi’ bao trùm phương Tây sẽ khiến Ukraine không thắng được Nga
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine sắp bước sang tháng thứ năm, giới chức Kiev dần tỏ ra lo ngại “sự mệt mỏi vì xung đột kéo dài” có thể làm giảm quyết tâm của phương Tây trong việc giúp nước này đẩy lùi quân đội Moscow.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và đồng minh đã viện trợ hàng tỉ USD vũ khí cho Ukraine. Châu Âu đã tiếp nhận hàng triệu người phải di dời vì chiến tranh. Đồng thời, đã có sự thống nhất chưa từng có tiền lệ ở châu Âu thời hậu Thế chiến II trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Điện Kremlin có thể không sớm kết thúc chiến dịch quân sự. Điều này có khả năng sẽ khiến các cường quốc phương Tây mệt mỏi và làm lung lay quyết tâm sát cánh cùng Ukraine, theo hãng tin Al Jazeera
Ukraine quyết không thoả hiệp Nga
Kiev muốn đẩy Nga ra khỏi các khu vực ở miền đông và miền nam Ukraine. Nước này cũng muốn giành lại Crimea bị Moscow sáp nhập vào năm 2014, và các phần của khu vực Donbass nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai do Điện Kremlin hậu thuẫn trong 8 năm qua.
Xe tăng Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: REUTERS
Một đề xuất hòa bình của Ý đã bị bác bỏ và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải đối mặt phản ứng dữ dội từ Ukraine sau khi ông nói rằng mặc dù cuộc xâm lược của Putin là một "sai lầm lịch sử", các cường quốc thế giới không nên "làm bẽ mặt Nga, để khi giao tranh ngừng lại, các bên có thể tạo ra một lối thoát thông qua con đường ngoại giao".
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã phản đối những đề xuất của phương Tây rằng ông nên chấp nhận một số loại thỏa hiệp. Ông nói, Ukraine sẽ tự quyết định các điều khoản hòa bình.
“Sự mệt mỏi ngày càng gia tăng, mọi người muốn một kết quả nào đó [có lợi] cho bản thân, và chúng tôi muốn một kết quả [khác] cho chính mình” - ông Zelensky nói.
Ukraine cần phương Tây
Ông Volodymyr Fesenko - nhà phân tích chính trị của Trung tâm Penta, cho biết cuộc xung đột khiến Ukraine thiệt hại 5 tỉ USD mỗi tháng và điều đó “khiến Kiev phụ thuộc vào lập trường vững chắc của phương Tây”.
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP
Ukraine sẽ cần những loại vũ khí tối tân hơn nữa để đảm bảo chiến thắng, cùng với quyết tâm của phương Tây trong việc tăng cường trừng phạt kinh tế nhằm làm suy yếu Nga.
“Rõ ràng là Nga muốn hạ quyết tâm của phương Tây và hiện đang xây dựng chiến lược với giả định rằng phương Tây sẽ cảm thấy mệt mỏi và dần dần bắt đầu thay đổi cách hùng biện của họ sang một hướng dễ dãi hơn” - ông Fesenko nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa và vũ khí tiên tiến giúp quân đội nước này tấn công chính xác hơn các mục tiêu quan trọng trên chiến trường.
Trên tờ The New York Times ngày 31-5, ông Biden nói: “Tôi sẽ không gây áp lực buộc chính phủ Ukraine - dù là bí mật hay công khai - phải đưa ra bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào”.
Đức - nước vấp phải sự chỉ trích vì sự chần chừ trong việc hỗ trợ Ukraine, cũng đã cam kết gửi các hệ thống phòng không hiện đại nhất cho Kiev.
Ông Nigel Gould-Davies - chuyên gia cấp cao về Nga và Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết: "Mặc dù không nhận thấy sự suy giảm đáng kể trong 'sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine', đã có những dấu hiệu cho thấy những vấn đề khác nhau trong mục tiêu của phương Tây. Tuy nhiên, những điều này vẫn chưa được xác định rõ ràng".
Sự thống nhất ‘suy giảm’ ở châu Âu
Tình hình nội bộ của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang lấn át mọi vấn đề khác liên quan cuộc xung đột, nhất là khi giá năng lượng và tình trạng thiếu nguyên liệu thô bắt đầu gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Họ phải đối mặt với hóa đơn tiền điện, chi phí nhiên liệu và giá hàng hóa cao hơn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS
Các nhà lãnh đạo châu Âu gọi quyết định cấm 90% lượng dầu xuất khẩu từ Nga vào cuối năm nay là "một thành công”. Tuy nhiên, để quyết định này được thông qua, châu Âu phải mất bốn tuần đàm phán và phải chấp nhận nhượng bộ trước Hungary, để nước này được tiếp tục nhập khẩu Nga.
Ủy ban châu Âu cũng phát tín hiệu rằng họ sẽ không vội vàng đề xuất các biện pháp hạn chế mới nhắm vào khí đốt của Nga. Các nhà lập pháp EU đang bận rộn kêu gọi hỗ trợ tài chính cho các công dân bị ảnh hưởng do giá nhiên liệu tăng để đảm bảo sự ủng hộ của người dân đối với Ukraine không bị suy giảm.
Chuyên gia Matteo Villa - nhà phân tích của tổ chức ISPI ở Milan (Ý) nhận định: “Điều đó cho thấy sự thống nhất ở châu Âu đang suy giảm một chút sau chiến dịch quân sự của Nga”.
Theo chuyên gia này, EU đã có dấu hiệu mệt mỏi và “rõ ràng, một số quốc gia EU dần ít sẵn sàng tiếp tục các biện pháp trừng phạt” - chuyên gia Villa nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Nga cảnh báo các vụ tấn công mạng của phương Tây vào cơ sở hạ tầng của Moscow có thể dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp.