Lỗ hổng chết người phía sau ca tử vong vì Covid-19 đầu tiên sau 8 tháng ở TQ

Tỉnh Hà Bắc ở phía bắc Trung Quốc ngày 14.1 ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 và là ca tử vong đầu tiên ở Trung Quốc trong 8 tháng qua. Sự việc làm lộ ra một lỗ hổng lớn trong việc phòng chống dịch.

Trung Quốc loay hoay đối phó với dịch bệnh lây lan ở vùng nông thôn.

Trung Quốc loay hoay đối phó với dịch bệnh lây lan ở vùng nông thôn.

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, ca tử vong thông báo ngày 14.1 là một phụ nữ, có bệnh nền và đang rất ốm. Bệnh nhân qua đời sống ở thị trấn Zengcun, vùng tâm dịch Covid-19 trực thuộc thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc.

Yan Xixin, người đứng đầu nhóm chuyên gia điều trị Covid-19 ở Hà Bắc, nói bệnh nhân qua đời do suy đa tạng sau khi nhiễm virus. Bệnh nhân bộc lộ triệu chứng từ ngày 9.1 và tình trạng sức khỏe suy giảm nhanh chóng.

Ở thời điểm nhiễm COvid-19, bệnh nhân đang bị hội chứng tổn thương cơ tim ngoài, sau đó bị tổn thương gan và thận, dẫn đến tử vong.

Cái chết của bệnh nhân trên không cho thấy virus đang nguy hiểm hơn, nhưng bộc lộ lỗ hổng kiểm soát dịch bệnh ở vùng nông thôn Trung Quốc. Đa số bệnh nhân nhiễm virus trong mùa đông năm nay là người già sống ở vùng nông thôn, với tiền sử mắc bệnh nền.

Mặc dù Trung Quốc đã chi khoản tiền lớn để đẩy mạnh xét nghiệm Covid-19 ở cấp huyện, các dân làng Trung Quốc nói bác sĩ không có khả năng phát hiện virus. Đối với các trường hợp bị sốt, các bác sĩ vẫn cho tiêm tĩnh mạch, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo.

Đây được coi là lỗ hổng đáng báo động vì ổ dịch bùng phát vào thời điểm Tết Nguyên đán 2021 đang đến gần. Hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ trở về quê nhà, không ít người quay về vùng nông thôn để đoàn tụ với gia đình, càng làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm.

“Trước đây, chúng tôi cứ nghĩ vùng nông thôn rất rộng lớn, nguy cơ lây nhiễm thấp. Nhưng ổ dịch ở tỉnh Hà Bắc và tỉnh Hắc Long Giang đang tập trung ở vùng nông thôn”, Wu Hao, chuyên gia tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), nói.

Phương pháp chống dịch chính ở vùng nông thôn là phong tỏa khu vực, ngăn người ở bên ngoài tiếp cận. Nhưng hóa ra virus lây nhiễm phức tạp và âm thầm hơn nhiều so với dự đoán.

Cơ quan Y tế Trung Quốc thông báo các trường hợp nhiễm Covid-19 trong mùa đông này có thời gian ủ bệnh kéo dài và lây truyền nhanh, đặc biệt tác động đến bệnh nhân cao tuổi và một tỷ lệ cao cư dân ở vùng nông thôn.

Ở một số nơi đã xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, lây nhiễm qua nhiều thế hệ, khiến cho nỗ lực phòng chống dịch trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn.

Theo số liệu chính thức, độ tuổi trung bình của người nhiễm Covid-19 ở Hà Bắc là 50. 30% các ca nhiễm là người trên 60 tuổi. Nhiều người mắc bệnh nền, bệnh về não và mạch máu.

Tính đến nay, tỉnh Hà Bắc ghi nhận 523 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 16 ca bệnh nặng, dự báo ca tử vong sẽ còn tăng. Trong số các ca nhiễm, 430 ca là ở vùng nông thôn, chiếm 84%.

Theo Hoàn Cầu, đa số các bệnh nhân sống ở vùng nông thôn thuộc thành phố Thạch Gia Trang, đã đi khám bác sĩ mà không đến các trung tâm xét nghiệm Covid-19, dẫn đến việc ổ dịch không được phát hiện từ sớm.

“Tôi bị ốm trong 7 ngày, bị ho và sốt. Bác sĩ không yêu cầu tôi làm xét nghiệm Covid-19”, một bệnh nhân tên Fan Li, 56 tuổi, nói. “Bác sĩ chỉ cho tôi thuốc và yêu cầu về nhà uống”.

Theo một bác sĩ giấu tên nói trên tờ Hoàn Cầu, nhiều bệnh nhân không muốn đến các địa điểm xét nghiệm Covid-19 trong thành phố vì họ lo ngại sẽ bị đưa đi cách ly ngay lập tức.

“Trách nhiệm của các bác sĩ như tôi là báo cáo cho nhà chức trách thành phố nếu phát hiện các ca nghi nhiễm”, bác sĩ này cho biết. Vị bác sĩ này thừa nhận, nhiều bác sĩ ở vùng nông thôn vẫn kê đơn, yêu cầu bệnh nhân uống thuốc vì ít ra còn kiếm được tiền, hơn khoản hỗ trợ mà chính phủ chi trả.

“Virus lây lan ở thành phố lớn. Tôi sống ở vùng nông thôn cách xa thành phố”, đó là những gì mà dân làng Trung Quốc thường nói khi được hỏi về nguy cơ lây nhiễm Covid-19, theo tờ Hoàn Cầu. “Không nhiều dân làng có thói quen đeo khẩu trang và có ý thức phòng chống dịch”.

Giới chức Trung Quốc thừa nhận khó kiểm soát ổ dịch ở vùng nông thôn giáp thành thị vì người dân ở đây thường xuyên ra vào thành phố. Có những người hàng ngày vào thành phố đi làm và đến cuối ngày lại trở về nhà, đặt ra thách thức lớn, theo Hoàn Cầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ đô Trung Quốc hóa ”pháo đài” vì Covid-19

Tăng cường kiểm soát ở đường cao tốc, phong tỏa các ngôi làng, khuyến khích người dân làm việc tại nhà… là các biện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Hoàn Cầu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN