Lính Ukraine 'chê' xe tăng mai rùa Nga
Người lái xe gần như không có tầm nhìn, tháp pháo không thể quay hay khai hỏa,... là những hạn chế của xe tăng mai rùa Nga mà lính Ukraine phát hiện ra.
Với mong muốn rà phá bom mìn ở những khu vực không có người sinh sống giữa các vị trí của Nga và Ukraine, đồng thời bảo vệ những người rà phá bom mìn trước máy bay không người lái (UAV) tự sát của Ukraine, quân đội Nga đã phát minh ra một loại phương tiện mới vào mùa xuân này.
Theo tạp chí Forbes, đó là một loại xe tăng bọc thép với các con lăn rà mìn và lớp giáp được điều chỉnh để bảo vệ kíp lái khỏi UAV góc nhìn thứ nhất.
Ukraine chê xe tăng mai rùa của Nga
Ukraine đã đặt biệt danh cho những phương tiện tấn công tự chế này của Nga là “xe tăng mai rùa”. Nhiều khả năng một số xe tăng kiểu này đã xuất hiện dọc tiền tuyến trải dài hơn cả ngàn km trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Xe tăng mai rùa T-72 đầu tiên của Nga được nhìn thấy trên chiến trường tháng 4-2024. Ảnh: Defense Express
Hai tháng sau khi xe tăng mai rùa xuất hiện, Nga vẫn đang sản xuất các phương tiện này tại các xưởng trên tiền tuyến, và ít nhất một trung đoàn đang kêu gọi quyên góp từ người dân Nga để hoàn thành công việc.
“Chúng tôi đang chế tạo những xe tăng có thể đi trước dò mìn và tấn công đối phương”- một lính xe tăng của Trung đoàn xe tăng số 218 của Nga nói về xe tăng mai rùa.
Trung đoàn xe tăng số 218 của Nga đang tiến hành cuộc tấn công dữ dội ở miền nam Ukraine nhằm chiếm lại 2 thị trấn Staromaiorske và Urozhaine.
Chiến dịch kéo dài nhiều tháng mang lại một số kết quả nhất định, nhưng cũng khiến trung đoàn này và các đơn vị lân cận thiệt hại hàng chục phương tiện, trong đó có ít nhất 1 xe tăng T-72 – được cho là bị UAV góc nhìn thứ nhất tấn công liên tục.
Ukraine đã nhanh chóng thích nghi với những chiếc xe tăng mai rùa. Được trang bị đạn dược của Mỹ, quân đội Ukraine đã tấn công các phương tiện tự chế này bằng pháo binh, tên lửa và lựu đạn thả từ trên không, hay thậm chí bằng chính các quả mìn và UAV góc nhìn thứ nhất mà xe tăng mai rùa được thiết kế để đánh bại.
Trong một lần kiểm tra kỹ lưỡng một chiếc xe tăng mai rùa T-62 của Nga mà Lữ đoàn cơ giới số 22 của quân đội Ukraine thu giữ vào đầu tháng 6, Trung tá Serhiy Misyura đã chỉ ra những hạn chế của phương tiện này.
“Người lái xe gần như không có tầm nhìn. Tháp pháo của xe tăng đã được cố định tại chỗ. Không có đạn dược và thậm chí súng chính còn không bắn được”- ông Misyura liệt kê những nhược điểm của xe tăng mai rùa Nga.
Theo Trung tá Misyura, thiết bị mới duy nhất trên chiếc T-62 bọc thép đã 60 tuổi này là một chiếc radio hiện đại và một bộ thiết bị gây nhiễu song vô tuyến chống UAV. Tuy nhiên, thiết bị này không thể ngăn lực lượng Ukraine sử dụng UAV góc nhìn thứ nhất tập kích xe tăng.
Kể lại tiếng va chạm và khói bốc lên từ chiếc T-62 của Nga, một người lính xe tăng Ukraine nói: “Phần cứng nên được nghỉ hưu chứ không phải bị đưa vào hoạt động”.
Dù vậy, theo Forbes, Nga sử dụng xe tăng mai rùa như một giải pháp tình thế khi ngày càng có nhiều UAV của Ukraine bay lượn trên không và vô số quả mìn chưa rà phá.
Nga làm gì để giảm phụ thuộc vào xe tăng mai rùa?
Ông Mick Ryan – thiếu tướng quân đội Úc đã nghỉ hưu và đang làm nghiên cứu tại viện Lowy có trụ sở tại Sydney (Úc) cho rằng khi Ukraine ngày càng nhận được nhiều vũ khí phương Tây thì xe tăng mai rùa của Nga sẽ dễ bị tấn công hơn. Trong trường hợp như vậy, Nga cần phải sáng tạo và giảm sự phụ thuộc vào kiểu xe tăng này.
Một xe bọc thép của Nga bị phá hủy được trưng bày tại TP Kryvyi Rih của Ukraine. Ảnh: Roman Pilipey / AFP
Đầu tiên, Nga có thể sử dụng phương tiện mặt đất không người lái vốn đang được cả hai bên phát triển nhanh chóng cho các hoạt động gây nhiễu điện tử.
Thứ hai, việc rà phá các bãi mìn và các chướng ngại vật khác có thể triển khai phương tiện mặt đất không người lái (UGV) kiểu mới. Những phương tiện này có thể là UGV cảm tử hay UGV đặt thuốc nổ. Hiện các nguyên mẫu của những loại xe như vậy đang được phát triển.
Thứ ba, xe bọc thép có người lái có thể xuất hiện cùng với khả năng phòng thủ tốt hơn trước UAV, ngụy trang và các biện pháp đối phó điện tử tốt hơn.
Bằng cách phân tán các nhiệm vụ mà xe tăng mai rùa hiện đảm nhận, Nga có thể phân tán rủi ro trong các hoạt động của nước này nhằm đảm bảo thành công cùng với các đơn vị khác.
Theo chuyên gia Ryan, xe tăng mai rùa có hình dáng kỳ lạ, rất đặc biệt trong cuộc xung đột này. Ukraine đang tìm ra cách đối phó. Kiểu xe tăng này khó có thể xuất hiện tại những vùng chiến sự khác.
Nguồn: [Link nguồn]
Hệ thống pháo phản lực nặng hơn 20 tấn, có khả năng phóng tên lửa ATACMS của Ukraine lọt vào tầm ngắm của quân đội Nga.