Lính Mỹ thiệt mạng ở Trung Đông, ông Biden có mạnh tay hơn?
Liên tiếp các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng Mỹ kể từ xung đột Israel - Hamas và đã có lính Mỹ thiệt mạng ở Trung Đông, liệu ông Biden sẽ mạnh tay hơn?
Cùng với xung đột Israel - Hamas, số vụ tấn công nhắm vào các cơ sở của Mỹ ở Trung Đông cũng tăng. Diễn biến mới và nóng nhất là căn cứ quân sự Tower 22 của Mỹ ở Jordan, gần biên giới Syria, bị máy bay không người lái (UAV) tấn công vào tối 28-1, đài CNN dẫn nguồn quan chức Mỹ. Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) xác nhận vụ tấn công “ảnh hưởng một căn cứ của Mỹ ở phía Đông Bắc Jordan”.
Đã có lính Mỹ thiệt mạng ở Trung Đông
Có tới ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng và hơn 34 quân nhân bị thương trong vụ căn cứ Mỹ ở Jordan bị tấn công vào tối 28-1. Theo các quan chức Mỹ, khả năng các nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn đã phóng UAV từ Syria nhắm vào căn cứ Mỹ ở Jordan. Đây không phải lần đầu các mục tiêu Mỹ ở Trung Đông bị tấn công kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra nhưng đây là vụ tấn công đầu tiên khiến lính Mỹ thiệt mạng ở Trung Đông, theo CNN.
Trước diễn biến nghiêm trọng dẫn đến việc ba lính Mỹ thiệt mạng ở Trung Đông, từ ngày 4 đến 23-1, lực lượng Mỹ đã hứng ít nhất 18 cuộc tấn công ở Syria và 10 cuộc tấn công ở Iraq. Ngày 20-1, căn cứ không quân Al-Asad của Mỹ ở miền Tây Iraq bị 10 quả rocket và bảy tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhắm vào. Lực lượng Mỹ đã sử dụng hệ thống tên lửa Patriot đánh chặn nhưng vẫn không chặn hết. Bốn nhân viên Mỹ bị thương nặng. Mỹ quy trách nhiệm các vụ tấn công này thuộc về các nhóm thân Iran.
- Ảnh vệ tinh chụp căn cứ quân sự Tower 22 ở phía Tây Bắc Jordan vào ngày 12-10-2023. Ảnh: PLANET LABS PBC/AP
Từ giữa tháng 11-2023, nhóm vũ trang Houthis (Yemen) được Iran hậu thuẫn đã thực hiện khoảng 30 vụ tấn công vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ, làm ảnh hưởng quyền lợi của Mỹ và các đồng minh.
Từ diễn biến mới nhất có thể thấy làn sóng tấn công chống lại lực lượng Mỹ ở Trung Đông vẫn tiếp diễn, bất chấp các cảnh báo rắn và cả một số hành động đáp trả được đánh giá là chừng mực của Mỹ nhắm vào các mục tiêu của các lực lượng thân Iran ở khu vực.
Theo Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, quân đội Mỹ vào ngày 23-1 tấn công nhắm mục tiêu vào “trụ sở, kho chứa và địa điểm huấn luyện của lực lượng dân quân về rocket, tên lửa và UAV” ở Iraq. Trước đó, ngày 4-1, Mỹ ám sát một thủ lĩnh của nhóm dân quân Harakat al-Nujaba do Iran hậu thuẫn ở thủ đô Baghdad (Iraq). Còn ở Syria, quân đội Mỹ nhắm mục tiêu vào các cơ sở mà Mỹ cho là được IRGC và các nhóm liên kết sử dụng.
Liên quan Houthis và Biển Đỏ, sau thời gian ở thế phòng thủ, chỉ bắn hạ tên lửa và UAV của Houthis, tháng 12-2023, Mỹ lập lực lượng đặc nhiệm hải quân đa quốc gia giữ an ninh Biển Đỏ. Từ tháng 1, Mỹ và Anh không kích liên tục vào các vị trí và mục tiêu vũ khí của Houthis bên trong lãnh thổ Yemen và khả năng chiến dịch này sẽ còn kéo dài.
Ngày 28-1, ngay sau vụ căn cứ Mỹ ở Jordan bị tấn công làm ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng, Tổng thống Mỹ Joe tuyên bố sẽ truy trách nhiệm những kẻ tấn công, mà ông cho đó là “các nhóm chiến binh cực đoan được Iran hậu thuẫn ở Syria và Iraq”. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố không tha thứ cho các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng Mỹ và sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ Mỹ, quân đội và lợi ích của Mỹ. Ông Austin cũng cáo buộc các nhóm được Iran hậu thuẫn là thủ phạm, cam kết sẽ có “phản ứng vào thời gian và địa điểm” phù hợp.
Chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng đồng thời chứng minh cho người dân Mỹ thấy rằng họ cứng rắn với Iran nhưng không kéo Mỹ vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông.
Chuyên gia NICHOLAS HERAS, Giám đốc cấp cao về chiến lược và đổi mới tại Viện New Lines (Mỹ - nghiên cứu về chính sách đối ngoại Mỹ)
Đủ rắn nhưng phải đảm bảo không sa lầy
Từ đầu cuộc chiến Israel - Hamas đã nổi lên lo ngại về sự an toàn của hàng ngàn binh sĩ Mỹ ở Trung Đông và với việc ba lính Mỹ vừa bị không kích chết ở Jordan thì nỗi lo ngày càng lớn.
Song giới quan sát nhận định Mỹ sẽ không dễ quyết định tấn công các lực lượng thân Iran ở Trung Đông. Mỹ đang trong thế lưỡng nan, nếu phản công quá mạnh thì có thể khơi mào một cuộc chiến rộng hơn ở Trung Đông, mà đáp trả quá yếu thì sẽ tác động tới chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Có thể thấy được sự kiềm chế của Mỹ qua việc Bộ trưởng Austin ngày 23-1 khẳng định Mỹ không muốn “leo thang xung đột trong khu vực” và kêu gọi các lực lượng thân Iran ngừng các cuộc tấn công.
Trang tin Business Insider dẫn nhận định của ông Ryan Bohl, nhà phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi tại Công ty tình báo rủi ro RANE (Mỹ), rằng Mỹ chọn tấn công các mục tiêu của lực lượng dân quân Iraq hơn là nhắm thẳng vào lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vì lo ngại leo thang với Iran, ít nhất là trong trường hợp ở Iraq. Với việc mở ra mặt trận mới với Houthis, Mỹ tập trung “làm suy giảm khả năng của Houthis, trong khi tránh đối đầu trực tiếp với Iran”, theo chuyên gia Bohl.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Nicholas Heras, Giám đốc cấp cao về chiến lược và đổi mới tại Viện New Lines (Mỹ - nghiên cứu về chính sách đối ngoại Mỹ), thực tế năm nay là năm bầu cử tổng thống Mỹ cũng gây khó khăn thêm trong cách tiếp cận của chính quyền ông Biden đối với cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông.
Tuy nhiên, chuyên gia Heras cũng dự đoán rằng dù kiềm chế đi nữa thì khả năng trong năm 2024 này lực lượng Mỹ rất có thể sẽ buộc phải tham gia nhiều chiến dịch quân sự trên khắp Trung Đông, vì áp lực ngày càng tăng từ Iran và các lực lượng thân Iran.
“Iran đã phát triển một chiến lược hết sức cẩn thận nhằm gây áp lực lên Mỹ và Israel từ nhiều hướng, bằng chứng là việc mở rộng xung đột ở Gaza sang Yemen và chiến dịch đang diễn ra do Iran hậu thuẫn chống lại lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria” - ông Heras phân tích.
Chuyên gia Heras cho rằng Mỹ sẽ không sớm rút quân khỏi Iraq và Syria, ngay cả khi tần suất tấn công từ các lực lượng thân Iran nhắm vào quân đội Mỹ ngày càng nhiều. Lý do theo ông, việc rút lực lượng “sẽ được coi là hành động đầu hàng của Mỹ đối với Iran vào thời điểm Israel đang tiến hành cuộc tấn công ở Dải Gaza”. Chuyên gia Bohl cũng đồng ý rằng Mỹ sẽ không thay đổi đáng kể việc triển khai quân trong khu vực thời gian tới, trừ khi có sự leo thang lớn giữa Israel với Iran hoặc Israel với Hezbollah.•
Ông Trump lên tiếng vụ lính Mỹ thiệt mạng ở Trung Đông Ngay sau khi có thông tin căn cứ ở Jordan bị không kích khiến ba lính Mỹ thiệt mạng, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích “cuộc tấn công trắng trợn này nhắm vào Mỹ là một hậu quả khủng khiếp và bi thảm vì sự yếu đuối và đầu hàng của ông Joe Biden”. Ông Trump nói rằng việc căn cứ bị tấn công khiến lính Mỹ thiệt mạng ở Trung Đông sẽ “không bao giờ xảy ra” nếu ông vẫn còn là tổng thống. Vận động tranh cử hôm 28-1 ở Mỹ, ông Trump nêu cảnh báo rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không bảo vệ Mỹ nếu nước này bị tấn công, theo trang HuffPost. Ông Trump từ lâu đã chỉ trích NATO rằng tổ chức quân sự này chỉ muốn lợi dụng tiền của Mỹ, trong khi các thành viên khác như Đức, Pháp... lại không chi tiêu đủ cho quốc phòng. NATO chưa đưa ra phản hồi về phát ngôn trên của ông Trump. Theo Điều 5 của Hiến chương NATO, một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào bất kỳ thành viên nào của khối đều được coi là một cuộc tấn công nhắm vào tất cả thành viên còn lại và NATO có quyền đáp trả. |
Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã bày tỏ quan điểm sau vụ căn cứ Mỹ ở Jordan bị tấn công khiến 3 binh sĩ thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương.
Nguồn: [Link nguồn]