Liệu Trung Quốc có thể đóng vai trò giúp chấm dứt xung đột ở Sudan?
Bắc Kinh có thể giúp làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột quân sự ở Sudan, nhưng triển vọng để các phe phái đạt thỏa thuận hòa bình vẫn còn xa vời, các nhà phân tích nhận định.
Khói bốc lên ở sân bay quốc tế Khartoum khi giao tranh vẫn đang diễn ra.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 23/4, có khoảng 420 dân thường thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF). Số người bị thương được xác định là khoảng 3.700.
Giao tranh nổ ra vào ngày 15/4 ở thủ đô Khartoum và nhiều khu vực khác. Thương vong của hai lực lượng quân sự hiện chưa được xác định. Ước tính có khoảng 20.000 người rời bỏ nhà cửa đi sơ tán vì chiến sự.
Tháng trước, Trung Quốc đã đóng vai trò trung gian hòa giải giúp Ả Rập Saudi và Iran nối lại quan hệ ngoại giao. Nhưng thành tựu tương tự chưa thể đạt được ở Sudan trong một sớm một chiều - Ma Xiaolin, giáo sư quan hệ quốc tế am hiểu về các quốc gia Hồi giáo, công tác tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Chiết Giang, thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, nói trên tờ SCMP.
"Trung Quốc đang có lợi thế để đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng", ông Ma nói. "Trung Quốc có mối quan hệ tốt đẹp với Sudan, bao gồm cả các thế lực quân sự và chính trị. Cả hai phe phái ở Sudan đều có niềm tin lớn với Trung Quốc".
"Nhưng ít nhất là ở hiện tại, Trung Quốc đang đứng ngoài quan sát diễn biến khủng hoảng và chưa trực tiếp ngỏ ý làm trung gian", ông Ma nói.
Hiện tại, Bắc Kinh đã công khai bày tỏ hi vọng rằng hai thế lực quân sự ở Sudan sẽ ngừng bắn càng sớm càng tốt, tránh làm tình hình trở nên xấu đi.
“Trung Quốc hi vọng rằng các bên ở Sudan sẽ tăng cường đối thoại và cùng nhau thúc đẩy quá trình chuyển tiếp chính trị một cách hòa bình", Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/4 tuyên bố.
Zeno Leoni, chuyên gia tại viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học King College ở London, Anh, nói Sudan là một phần quan trọng trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đối với Trung Quốc.
“Trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc, Sudan, cùng với các quốc gia khác trong khu vực MENA, có thể trở thành đồng minh chủ chốt của Bắc Kinh, một khi Trung Quốc quyết định đảm nhận những trách nhiệm quốc tế lớn lao hơn", chuyên gia Leoni nói trên tờ SCMP. "Sudan là đối tác lâu năm của Trung Quốc và sự ủng hộ của Sudan có ý nghĩa quan trọng đối với các chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở châu Phi".
Hannah Ryder, chuyên gia công tác trong chương trình châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói Liên minh châu Phi và Cơ quan liên chính phủ về Phát triển đang dẫn đầu vai trò hòa giải trong cuộc khủng hoảng Sudan, nhưng Trung Quốc vẫn có thể đóng vai trò nhất định.
“Điều quan trọng là Trung Quốc có thể cung cấp một nền tảng trung lập để các bên xích lại gần nhau hơn", chuyên gia Ryder nói.
Theo các chuyên gia, một trong những lý do có thể khiến Trung Quốc tích cực tham gia hòa giải ở Sudan là yếu tố kinh tế. "Mối quan tâm của Trung Quốc là chấm dứt khủng hoảng và đảm bảo rằng sự bất ổn chính trị - xã hội sẽ không làm gián đoạn dòng chảy dầu mỏ", chuyên gia Leoni nói.
Trước khi bị chia tách làm hai quốc gia vào năm 2011, Sudan là điểm đến đầu tư năng lượng quan trọng với Trung Quốc. Quốc gia này đáp ứng 5% nhu cầu dầu thô của Bắc Kinh.
Sudan đã tách thành hai quốc gia riêng biệt gồm Sudan ở phía bắc và Cộng hòa Nam Sudan. Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nam Sudan. Lượng nhập khẩu chiếm khoảng 2% nhu cầu của Bắc Kinh.
Mặc dù Nam Sudan có trữ lượng dầu mỏ lớn, Sudan mới là nước nắm giữ các đường ống và cơ sở sản xuất dầu. Các công ty dầu mỏ Trung Quốc hiện vẫn hoạt động đồng thời ở Sudan và Nam Sudan, tham gia khai thác, khám phá mỏ dầu và xây dựng đường ống dẫn dầu.
Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất ở Sudan. Các công ty Trung Quốc tham gia vào một loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, chiếm 50% các công trình xây dựng theo hợp đồng.
Đối với Bắc Kinh, để nỗ lực trung gian hòa giải có hiệu quả, các phe phái ở Sudan cần thể hiện thiện chí sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Hiện tại, điều này vẫn chưa xảy ra do hai bên ưu tiên cho giải pháp quân sự.
"Các bên đều đang chiến đấu và chưa tính tới việc cần một nhà trung gian hòa giải vào lúc này", đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc ở Sudan, Volker Perthes nói.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, mâu thuẫn cốt lõi nằm ở nội bộ Sudan nên các bên cần giải quyết vấn đề nội bộ trước và sự tác động của Trung Quốc sau đó mới được tính tới để thúc đẩy hòa bình.
Trung Quốc cân nhắc sơ tán công dân khỏi Sudan, Đại sứ quán nước này ở Khartoum ngày 23/4 cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]