Liệu Thủ tướng Israel Netanyahu có bị Tòa án Hình sự quốc tế xét xử?
Văn phòng công tố viên của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) vừa kiến nghị ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel và 3 lãnh đạo Hamas vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar bị công tố viên của Tòa án Hình sự quốc tế kiến nghị bắt giữ. (Ảnh: Shutterstock)
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và có tác động như thế nào đến các quan hệ ngoại giao trên thế giới?
Quyền lực của ICC
ICC là tòa án hình sự quốc tế thường trực đầu tiên của thế giới. Tòa án này được thành lập năm 2002 dựa trên Quy chế Rome, để xét xử những người phạm tội giết người hàng loạt.
Tòa án có trụ sở tại La Hay, Hà Lan, có 1 công tố viên chịu trách nhiệm điều tra và kiến nghị tội danh đối với những cá nhân bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, diệt chủng và tội xâm lược.
ICC có thể thụ lý các vụ án ở quốc gia thành viên nào đề nghị tòa điều tra công dân của họ, hoặc khi Hội đồng Bảo an yêu cầu điều tra, hoặc khi một ban thẩm phán của ICC cho phép điều tra theo quy trình mà công tố viên kiến nghị.
Tòa án này không thể tuyên án tử hình. Những người bị kết án tù sẽ thụ án tại trung tâm giam giữ của ICC trong một nhà tù ở Hà Lan. Hiện nay, có 124 quốc gia tham gia Quy chế Rome. Trung Quốc, Mỹ, Nga và Israel không tham gia.
Điều gì tiếp theo?
Kiến nghị của Công tố viên Karim Khan được trình lên ban tiền xét xử của ICC. Ban này gồm 3 thẩm phán: Thẩm phán chủ tọa Iulia Motoc từ Romania, thẩm phán Maria del Socorro Flores Liera từ Mexico, và thẩm phán Reine Alapini-Gansou từ Benin.
Không có thời hạn nào để các thẩm phán đưa ra quyết định có ban lệnh bắt giữ hay không. Trong một số trường hợp trước đây, các thẩm phán thường mất hơn 1 tháng hoặc vài tháng để đưa ra quyết định.
Nếu các thẩm phán đồng ý có “cơ sở hợp lý” để tin rằng đã xảy ra hành động tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại nhân loại, họ sẽ đưa ra lệnh bắt giữ. Lệnh bắt giữ sẽ nêu đích danh tên của người bị buộc tội, tội danh và những cơ sở cấu thành tội danh đó.
Thẩm phán có thể thay đổi kiến nghị bắt giữ và chỉ chấp nhận một phần những điều công tố viên kiến nghị. Tội danh cũng có thể thay đổi.
Thủ tướng Netanyahu sẽ bị đưa ra xét xử?
Điều này khó có khả năng xảy ra. ICC không cho phép xét xử vắng mặt, và tòa án khó có thể sẽ còng tay ông hay bất kỳ quan chức Israel nào.
ICC phụ thuộc vào các quốc gia thành viên trong việc bắt giữ, trong khi Israel không phải một bên tham gia ICC.
Việc bị buộc tội có thể khiến ông Netanyahu không thể đến các quốc gia thành viên của ICC. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên của tòa này, như Hungary, tuyên bố các lệnh bắt của ICC không có tính ràng buộc trong lãnh thổ của họ.
Việc xử phạt những quốc gia thành viên ICC không thi hành lệnh bắt là chuyện của Hội đồng Bảo an. Không có hạn chế nào đối với các nhà lãnh đạo chính trị, nghị sĩ hay nhà ngoại giao trong việc gặp gỡ những cá nhân bị ICC ban lệnh bắt. Nhưng về mặt chính trị, điều này có thể bị nhìn nhận không tốt.
Vụ công tố viên của ICC xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Netanyahu và lãnh đạo Hamas đang gây chia rẽ trong giới lãnh đạo châu Âu.
Nguồn: [Link nguồn]