Liệu phương Tây có dễ dùng tài sản thu Nga để tái thiết Ukraine?
EU đang thành lập nhóm công tác để xem xét khả năng sử dụng tài sản đóng băng của Nga cho công cuộc tái thiết ở Ukraine, nhưng liệu điều đó có dễ dàng?
Đài CNN ngày 15-2 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đang thành lập một nhóm công tác để xem xét liệu các tài sản đóng băng của Nga có thể được sử dụng để tái thiết Ukraine hay không.
Theo ước tính, cho đến nay phương Tây đã đóng băng hơn 300 tỉ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga. Ảnh: Maxim Shemetov/REUTERS
Chính phủ Thụy Điển, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, cho hay nhóm công tác trên sẽ tiến hành “phân tích pháp lý, tài chính, kinh tế và chính trị” để đánh giá tính khả thi của việc chuyển tài sản của Nga sang Ukraine với sự phối hợp chặt chẽ của các đối tác quốc tế.
Tuyên bố còn cho biết một phần công việc của nhóm công tác trên sẽ liên quan tới việc cung cấp "một bức tranh rõ ràng hơn” về vị trí các tài sản thuộc sở hữu của nhà nước Nga và giá trị của chúng.
Nhóm công tác sẽ do ông Anders Ahnlid, Tổng giám đốc của Ủy ban Thương mại Quốc gia Thụy Điển, dẫn đầu.
“Về nguyên tắc, rõ ràng là Nga phải trả tiền cho công cuộc tái thiết Ukraine. Tuy nhiên điều này lại đặt ra những câu hỏi khó vì phải được thực hiện theo luật pháp EU và quốc tế, song hiện không có mô hình trực tiếp nào cho việc này” - Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nhận định.
Theo một đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Uỷ ban châu Âu và chính phủ Ukraine, chi phí tái thiết và phục hồi tại nước này rơi vào khoảng 394 tỉ USD. Nhưng con số ấy sẽ tăng lên rất nhiều khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn.
Một quan chức cấp cao của EU hồi đầu tháng này ước tính EU và các nước đồng minh phương Tây đã đóng băng hơn 300 tỉ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm 15-2, Bộ Tư pháp Thụy Sĩ cho biết nước này không có kế hoạch tịch thu tài sản tư nhân của Nga bị phong tỏa trong các ngân hàng Thụy Sĩ để giúp tái thiết Ukraine, theo đài RT.
Tuyên bố nêu rõ: “Việc tịch thu tài sản tư nhân bị đóng băng là không phù hợp với Hiến pháp Liên bang và quy định pháp lý hiện hành, đồng thời vi phạm các cam kết quốc tế của Thụy Sĩ. Các quốc gia khác cũng có các quyền và đảm bảo tương tự được quy định trong hiến pháp”.
Dù vậy, Thụy Sĩ tuyên bố nước này vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, nhưng “không dựa vào các cuộc thảo luận về tài sản bị đóng băng”.
Moscow nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây trả lại tài sản đang bị đóng băng của Nga do lệnh trừng phạt liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine. Nga cũng cảnh báo việc tịch thu tài sản đóng băng có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong luật pháp quốc tế.
Nguồn: [Link nguồn]
Nga tuyên bố sẽ đưa ra hình thức đáp trả thích đáng cho những nước có ý định dùng tài sản của Moscow đang bị đóng băng cho mục đích riêng, đặc biệt là chính trị.