Liệu PGII của G7 có thành công khi đối trọng BRI của Trung Quốc?
Nối gót sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) đối trọng với “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc, sáng kiến “Đối tác vì Đầu tư và Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu” (PGII) “sẽ không nhận được sự ủng hộ nào”, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh ở Schloss Elmau ̣̣(Đức) vào ngày 26-6 vừa qua, lãnh đạo các quốc gia thuộc Nhóm G7 đã chính thức thông qua sáng kiến “Đối tác vì Đầu tư và Cơ sở hạ tầng Toàn cầu” (PGII).
Sáng kiến này nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng cho các nước đang phát triển, nâng cao cuộc sống của người dân, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tạo ra cơ hội việc làm mới cho công nhân và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Sáng kiến PGII sẽ tập trung vào 4 vấn đề được coi là những trụ cột chính giai đoạn nửa cuối thế kỷ 21. Bốn vấn đề đó là chống biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển mạng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) và bảo mật thông tin, thúc đẩy công bằng xã hội và bình đẳng giới, nâng cấp hệ thống y tế và khám chữa bệnh cho người dân toàn cầu.
Các lãnh đạo G7 tại hội nghị thượng đỉnh ở Đức. Ảnh: REUTERS
Bên cạnh đó, theo trang thông tin chính thức của Nhà Trắng, Mỹ và các nước G7 sẽ tìm cách huy động thêm vốn từ các đối tác cùng chí hướng, bao gồm các ngân hàng phát triển đa phương, tổ chức tài chính phát triển, quỹ tài sản có chủ quyền...
Động lực thành lập PGII của G7
Việc các quốc gia G7 thông báo về sáng kiến PGII đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ các phương tiện truyền thông và giới chuyên gia.
Trước đó, dự án B3W được Mỹ và các nước G7 và công bố vào tháng 6 năm ngoái, tuy nhiên, trong hơn một năm này, rất ít thông tin về B3W được tiết lộ. Trong khi đó, một vài nước thuộc G7 đã thực hiện các dự án riêng phải kể đến như sáng kiến “Clean Green” do Anh khởi xướng, kế hoạch trị giá 65 tỉ USD của Nhật hay kế hoạch huy động 339 tỉ USD “Global Gateway” của các nước EU. Mặc dù các sáng kiến trên không nêu rõ tên Trung Quốc (TQ) nhưng rõ ràng mục đích chính là đối trọng sáng kiến “Vành đai - Con đường” (BRI) khi đều hướng đến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước khác trên thế giới.
Phát biểu trong sự kiện hôm 26-6, Thủ tướng Đức – ông Olaf Scholz đã cho rằng, sẽ rất có lợi nếu các nước G7 có thể cùng hợp tác thông qua một dự án chung. Tổng thống Biden cũng đề cập trong sự kiện hôm 27-6 rằng “Khi chúng tôi có thể chỉ ra được khả năng của nền dân chủ – Tôi không hề nghi ngờ gì về việc chúng tôi sẽ chiến thắng cuộc cạnh tranh này”. Đồng thời, Tổng thống Biden và các nước G7 cũng nhận định rằng sáng kiến này sẽ là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế của tất cả các nước và đồng thời cũng là cơ hội để các nước G7 chứng minh về một tương lai lạc quan với những lợi ích cụ thể khi hợp tác với các nước thuộc chế độ dân chủ.
Theo đó, ông Biden cũng đã đưa ra một lời hứa về khoản đầu tư trị giá 200 tỉ USD của Mỹ vào sáng kiến trên thông qua các khoản trợ cấp, quỹ liên bang và đầu tư tư nhân. Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng tuyên bố rằng EU sẽ huy động 300 tỉ euro cho sáng kiến này.
Bắc Kinh lên tiếng về PGII
Ngay sau khi G7 công bố dự án hạ tầng khủng trị giá 600 tỉ USD này, tờ China Daily đã đặt ra 3 câu hỏi: Liệu PGII của G7 có thực sự giúp đỡ các nước đang phát triển không? Đề án “đầu tàu” này liệu có khả thi? Dự án này của G7 có tác dụng đối trọng với BRI của TQ không?
Một dự án ở Sri Lanka thuộc sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã, vào bài đăng ngày 29-6, đã trích lời của học giả về quan hệ quốc tế Pelagia Karpathiotaki (*) nhận định rằng: “PGII rõ ràng là một công cụ địa chính trị nhằm mục đích tăng cường các xu thế tách rời và đối trọng với Sáng kiến Vành đai - Con đường cũng như đối trọng với TQ”.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên cho rằng các nước G7 thông qua PGII để tăng cường tính toán địa chính trị, cố tình “hạ bệ” BRI dưới danh nghĩa thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu. Và TQ đã thể hiện sự phản đối trước những động thái này từ phía G7.
Tờ China Daily cho rằng nếu các nước G7 thực sự quan tâm đến việc giúp đỡ các nước có thu nhập thấp cải thiện tình trạng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế thì các quốc gia này đã sớm triển khai những chương trình tương tự từ những năm 1970 hay 1990 - khi mà nền kinh tế của nhóm G7 có tốc độ phát triển mạnh hơn rất nhiều so với hiện nay; hoặc lựa chọn tham gia sáng kiến Vành đai - Con đường của TQ - một dự án để mở cơ hội hợp tác với tất cả quốc gia.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ - ông Uông Văn Bân cho biết trong khi TQ luôn hoan nghênh các nỗ lực nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu thì sáng kiến PGII của Tổng thống Biden được thúc đẩy dựa trên thuyết “Trò chơi có tổng bằng không” (Zero-sum game).
“Sáng kiến này từ phía Mỹ đã phớt lờ mong muốn phát triển chung và hợp tác cùng có lợi của tất cả các quốc gia” - ông Uông nói. Bình luận thêm về sáng kiến này, phát ngôn viên TQ cho rằng tiền và những lợi ích cho người dân là điều mà cộng đồng quốc tế mong muốn từ các dự án, do đó, sáng kiến này của G7 “sẽ không nhận được sự ủng hộ nào”.
G7 cần làm gì để PGII thành công?
Trước thông báo thành lập PGII, tạp chí The Diplomat cho rằng Sáng kiến mới của các nước G7 có thể sẽ gặp rất nhiều thử thách ngay cả trong nội bộ và việc thực hiện sẽ không thực sự dễ dàng khi nó liên quan 7 nền kinh tế chính với vô số lợi ích khu vực kèm theo. Bên cạnh đó, các nước G7 phụ thuộc phần lớn vào những công ty tư nhân nên việc huy động nguồn lực là vô cùng khó khăn, theo Tân Hoa Xã. Trong khi đó, BRI được xây dựng bởi chính phủ TQ và chỉ liên quan các tập đoàn nhà nước, do vậy, việc tiến hành sẽ dễ dàng đem lại kết quả hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi các nước trong khối G7 đang phải vật lộn với gánh nặng lạm phát để ổn định nền kinh tế thì mục tiêu huy động 600 tỉ USD cho sáng kiến cho đến năm 2027 sẽ càng bế tắc hơn.
Bởi vậy, để PGII không thực sự “nối gót” sáng kiến B3W trước đó thì các nước G7 cần có những biện pháp và phương án triển khai phù hợp tình hình thực tiễn để đạt được đúng mục đích mà nó hướng tới. Bên cạnh đó, PGII phải đồng bộ hóa phương pháp tiếp cận các nước cần hỗ trợ và đặt ra những tiêu chí cho việc đầu tư, khả năng chuyên môn và trình độ tương ứng của họ. Quan trọng nhất là việc nâng cao năng lực phối hợp nội bộ cũng như đảm bảo các cam kết mà các nước đã đề ra được xem như một trong những chìa khóa then chốt giúp cho sáng kiến này không phải đi theo con đường của B3W trước đó.
Việt Nam có được hưởng lợi?
Sáng kiến PGII dự kiến sẽ đem lại hàng tỉ USD đầu tư cho các nước đang phát triển ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Một số kế hoạch cụ thể đã được liệt kê, theo Nhà Trắng, cụ thể như: Kế hoạch đầu tư 40 triệu USD vào Chương trình Điện thông minh của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) nhằm giảm phát thải và củng cố hệ thống điện khu vực Đông Nam Á giúp tăng thêm 5% giá trị thương mại năng lượng của khu vực. Dự án đầu tư 600 triệu USD xây dựng tuyến cáp viễn thông trên biển Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu dài hơn 17,000 km của công ty viễn thông Subcom (có trụ sở tại Mỹ) kết nối các quốc gia trong khu vực với tốc độ cao, kết nối đáng tin cậy…
Tuy nhiên, việc Việt Nam và các nước Đông Nam Á có thực sự hưởng lợi từ PGII một cách hiệu quả và lâu dài hay không vẫn là câu hỏi cần thời gian trả lời. Nhất là khi các nước G7 đang đối mặt với những bất ổn về chính trị lẫn kinh tế cũng như chưa có sự thống nhất nào trong cơ chế lợi ích của các nước tham gia sáng kiến.
(*) Học giả Hy Lạp về quan hệ quốc tế, hiện đang nghiên cứu tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Bắc Kinh
Nguồn: [Link nguồn]
Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) do Nga và Trung Quốc dẫn đầu có thể mở rộng thành viên để trở thành đối trọng với G7 – nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới...