Liệu ông Trump có phải ra đi trước ngày 20-1?
Ông Trump đang đối mặt với hai nguy cơ: Bị phế truất trực tiếp hoặc bị luận tội dẫn tới phế truất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết chuyển giao quyền lực theo trình tự cho Tổng thống đắc cử Joe Biden và sẽ rời Nhà Trắng ngày 20-1. Tuy nhiên, theo đài Fox News, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện - ông Chuck Schumer đang nỗ lực để ông Trump phải ra đi sớm hơn theo Tu chính án 25 Hiến pháp Mỹ, vì lo rằng để ông ở vị trí tổng thống tới ngày 20-1 thì quá rủi ro.
Tiêu điểm Trong trường hợp ông Trump bị luận tội thì hai luật sư chính sẽ bảo vệ ông là ông Rudy Giuliani và ông Alan Dershowitz, theo nguồn tin của CNN. Hai nhân vật này cũng là những người bảo vệ ông Trump trong cuộc luận tội thứ nhất. |
Bị phế truất hay bị luận tội?
Không chỉ phe Dân chủ mà nhiều nghị sĩ Cộng hòa - trong đó có thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, thượng nghị sĩ Ben Sasse, hạ nghị sĩ Tim Ryan ủng hộ phế truất ông Trump.
Nhiều nghị sĩ đề xuất nhiều phương pháp khác nhau để phế truất ông Trump, trong đó có yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án thứ 25 trong Hiến pháp Mỹ. Theo đó, phó tổng thống có quyền thay thế vị trí tổng thống khi phó tổng thống hoặc đa số thành viên nội các tuyên bố tổng thống không phù hợp với vị trí này. Tuy nhiên, tổng thống có thể bắt bẻ cáo buộc này và yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu về chuyện này.
Một khả năng khác là luận tội ông Trump. Dự kiến ngày 11-1 (giờ địa phương), một dự thảo nghị quyết luận tội ông Trump sẽ được công bố trước Hạ viện. Dự thảo này đã được một nhóm hạ nghị sĩ Dân chủ soạn sẵn từ ngày 8-1 với cáo buộc ông Trump “kích động nổi dậy”. Cụ thể, phía Dân chủ nhắc đến việc ông Trump phát biểu kích động người ủng hộ tràn vào tòa nhà Quốc hội, gây áp lực buộc Chánh thư ký bang Georgia - ông Brad Raffensperger “tìm” đủ số phiếu để đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở bang này. Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump “gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh của nước Mỹ và các thể chế quyền lực”, “là mối đe dọa với an ninh quốc gia, với dân chủ và với hiến pháp”. Theo dự thảo nghị quyết, các hành động của ông Trump xứng đáng bị phế truất và ông “không đủ tư cách” tranh cử lần nữa.
180 hạ nghị sĩ đã ký đồng ý với dự thảo nghị quyết luận tội ông Trump, theo hạ nghị sĩ Dân chủ Ted Lieu - một trong những nhân vật soạn dự thảo. Dự kiến Hạ viện sẽ bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết luận tội vào giữa tuần này. Khả năng dự thảo sẽ được thông qua vì Hạ viện đang do đảng Dân chủ kiểm soát.
Không dễ
Nếu nỗ lực của đảng Dân chủ thành công thì ông Trump sẽ là tổng thống đầu tiên của Mỹ hai lần bị luận tội. Trong năm 2019 ông Trump từng đối mặt với cuộc luận tội cáo buộc nhờ Ukraine hỗ trợ loại bỏ đối thủ Joe Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, song đã được Thượng viện tuyên trắng án.
Một số nguồn tin Cộng hòa cho biết nguy cơ diễn ra một cuộc luận tội thứ hai với ông Trump là có thật. Hiện nhiều nhân vật Cộng hòa ở Hạ viện đang bị áp lực từ nhiều công ty vận động hành lang đã giúp tiền cho các chiến dịch tranh cử của họ. Các công ty này đã nói rõ sẽ cắt quan hệ với các nhân vật Cộng hòa đứng về phía ông Trump một khi có cuộc bỏ phiếu về khả năng luận tội.
Tuy nhiên, cũng có nghị sĩ Cộng hòa phản đối. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện - nghị sĩ Kevin McCarthy cho rằng đưa ông Trump ra luận tội một lần nữa trong vài ngày cuối cùng của nhiệm kỳ sẽ chỉ khiến đất nước thêm chia rẽ. Ông McCarthy cho biết ông định trao đổi với ông Biden chuyện hợp tác để “giảm nhiệt và thống nhất đất nước để giải quyết các thách thức của Mỹ”. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đề nghị ông Biden can thiệp với các nghị sĩ Dân chủ cấp cao để bỏ chuyện luận tội ông Trump.
Bản thân ông Biden không công khai ủng hộ ý tưởng luận tội ông Trump, dù cho rằng ông Trump là “một trong những tổng thống bất tài nhất trong lịch sử Mỹ”. Theo đài ABC News, khi được hỏi về chuyện này, ông Biden chỉ nói đây là quyền quyết định của Quốc hội, còn ông sẽ tập trung xử lý đại dịch.
Bên cạnh đó, nếu muốn ông Trump bị kết tội, ngoài nỗ lực của mình, đảng Dân chủ còn cần đến sự hợp tác của đảng Cộng hòa ở Thượng viện vì đây là nơi có thẩm quyền mở phiên tòa xét xử và ra phán quyết với ông Trump. Phán quyết cần có 2/3 Thượng viện thông qua, điều không dễ trong bối cảnh tỉ lệ nghị sĩ Dân chủ - Cộng hòa không chênh lệch nhiều tại đây. Có thông tin lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện - ông Mitch McConnell không chủ trương gây thêm căng thẳng trong nội bộ đảng, đặc biệt khi nhiệm kỳ ông Trump chỉ còn vài ngày. Tháng 2-2020, Thượng viện đã tuyên ông Trump trắng án trong phiên tòa luận tội ông nhờ Ukraine loại bỏ ông Biden.
Ngoài ra, khả năng Quốc hội sẽ không đủ thời gian để luận tội và phế truất ông Trump. Hiện Thượng viện vẫn đang trong thời gian ngừng họp đến ngày 19-1, đồng nghĩa sớm nhất Thượng viện sẽ bắt đầu tiến trình luận tội ông Trump chỉ một ngày trước khi ông Trump trao vị trí tổng thống lại cho ông Biden. Nếu muốn Thượng viện họp lại sớm thì phải được toàn bộ thượng nghị sĩ đồng ý, mà điều này thì không dễ.
Theo đài CBS News, một số cố vấn Nhà Trắng đã trao đổi với các thành viên nội các cấp cao của ông Trump, trong đó có Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, rằng ông Trump sẽ không từ chức. Ông Trump sẽ không trao quyền lực lại cho ông Pence và yêu cầu ông Pence ân xá cho mình. Hiện ông Trump vẫn tiếp tục hỏi các cố vấn cấp cao về khả năng ông tự ân xá cho mình trước khi rời nhiệm sở. Ông Trump lo ngại nguy cơ ông bị vướng víu luật pháp sau khi rời Nhà Trắng. Tuy nhiên, theo một văn bản nội bộ năm 1976 của Văn phòng tư vấn luật pháp (OLC - có nhiệm vụ tư vấn luật pháp cho tổng thống và toàn bộ các cơ quan nhánh hành pháp) thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, tổng thống không thể tự ân xá cho mình. |
Nguồn: [Link nguồn]
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence không loại trừ việc kích hoạt Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ để phế truất ông Trump nếu...