Liệu Nga và Mỹ có trực tiếp can dự vào Venezuela?

Chuyên gia Andrei Movchan nhận định: “Chưa chắc Nga sẽ đưa quân đội sang Venezuela, bởi khi đó Moscow có nguy cơ chạm trán với Trung Quốc và Mỹ. Hơn nữa, việc công khai ủng hộ một chế độ “đang hấp hối” và vấp phải nhiều chỉ trích sẽ dẫn đến việc Moscow trở thành những vị khách bị căm ghét”.

Liệu Nga và Mỹ có trực tiếp can dự vào Venezuela? - 1

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro

Tình hình tại Venezuela đang hết sức căng thẳng. Xung đột có thể bùng nổ giữa một bên là một tổng thống bị mất lòng dân, nhưng được quân đội Venezuela và Nga, Trung Quốc ủng hộ, và bên kia là Chủ tịch Quốc hội tự phong làm tổng thống, được Mỹ và nhiều nước phương Tây hậu thuẫn. Vì sao một quốc gia giàu tài nguyên bậc nhất thế giới lại chìm trong lạm phát kinh hoàng, kinh tế hoàn toàn kiệt quệ, chế độ chính trị ngày càng độc đoán và bất lực, đẩy đất nước đến bờ vực rối loạn, có nguy cơ nội chiến hoặc chịu sự can thiệp quân sự từ bên ngoài?

Báo Độc lập (Nga) số ra mới đây có bài bình luận về tình hình căng thẳng leo thang tại Venezuela cùng những lựa chọn của Nga và Mỹ trong bối cảnh rối ren tại quốc gia Mỹ Latinh này.

Những diễn biến căng thẳng tại Venezuela đang phát triển nhanh chóng và nhận được phản ứng “tích cực” từ phía Mỹ, khiến Nga nghi ngờ giới lãnh đạo Washington đang toan tính tiến hành một cuộc can thiệp trực tiếp. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố khi đang ở thăm Algeria: “Những gì diễn ra tại một số quốc gia đang làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng, không loại trừ tình huống xảy ra can thiệp vũ trang. Chúng tôi kêu gọi Mỹ từ bỏ các ý định này”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tạp chí Đời sống Quốc tế, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói: “Đảo chính là kịch bản thảm họa. Nó sẽ làm chấn động các nền tảng của mô hình phát triển mà chúng ta đang được chứng kiến tại khu vực Mỹ Latinh”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nhấn mạnh: “Mọi hoạt động cần phải được thực hiện nghiêm ngặt trong khuôn khổ Hiến pháp và phù hợp với luật pháp quốc gia… Tất nhiên, người dân có thể công khai bày tỏ lập trường của mình, kể cả bằng cách biểu tình, nhưng chỉ bằng con đường hòa bình, không dẫn đến bạo lực và hơn nữa không khiến sự an toàn của dân chúng nói chung bị đe dọa”.

Những lực lượng chống đối Tổng thống Venezuela đương nhiệm Nicolas Maduro có những lý lẽ riêng. Phe đối lập cho rằng cuộc bầu cử tổng thống ở nước này năm 2018 là giả mạo và họ từng tẩy chay sự kiện này. Họ cho rằng người hiện nay có quyền lãnh đạo hợp pháp tại Venezuela là Chủ tịch Quốc hội Juana Guaido, người đã tự xưng là tổng thống tạm quyền của Venezuela trong nhiều cuộc tập hợp quy mô lớn.

Liệu Nga và Mỹ có trực tiếp can dự vào Venezuela? - 2

Tổng thống tự phong Guaido

Ông Guaido nhận được sự ủng hộ vô điều kiện của Mỹ, cường quốc rõ ràng đã chuẩn bị những phương án để bảo vệ nhân vật này. Trong cuộc trao đổi với Wall Street Journal (WSJ) mới đây, một nguồn tin của chính quyền Mỹ cho biết Nhà Trắng đang “xem xét mọi phương án” cho những diễn biến tiếp theo liên quan tới Chính quyền Venezuela. Một trong những biện pháp đang được cân nhắc là cấm toàn bộ các giao dịch dầu mỏ với Caracas.

Theo chuyên gia kinh tế Andrei Movchan, hiện làm việc tại Quỹ Carnegie, dù tình hình có đi theo chiều hướng nào đi chăng nữa thì “có lẽ Nga đang đánh mất các khoản tiền đã đầu tư vào Venezuela”. Ông nói: “Tài sản của Nga ở Venezuela nhìn chung không còn nữa… Venezuela có các cam kết với Nga trong việc cung cấp dầu mỏ theo các khoản tiền đã thanh toán trước, trả tiền mua vũ khí hay vận hành các cơ sở sản xuất thuộc nhà máy quốc phòng mà Nga đang bắt tay vào xây dựng... Nếu nền kinh tế Venezuela sụp đổ dưới sự lãnh đạo của chính quyền đương nhiệm, Nga không còn hy vọng lấy loại các khoản nợ, dù chỉ một phần”.

Nhà phân tích Movchan cho rằng kịch bản mà theo đó phe đối lập chiến thắng và thay đổi chính quyền tại quốc gia Nam Mỹ này, có thể mang lại lợi ích cho Nga, bởi Nga có thể thu lại một phần số tiền đã đổ vào Venezuela. Ông nói thêm: “Có lẽ điều này phụ thuộc vào việc Nga sẽ hình thành quan hệ với chính quyền mới như thế nào”. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, vấn đề nằm ở tình trạng tham nhũng trong các hợp đồng giữa Nga và Venezuela.

Về khả năng Moscow trực tiếp can dự vào tình hình Venezuela để tránh dẫn tới một sự sụp đổ đột ngột, ông Movchan nhận định: “Chưa chắc Nga sẽ đưa quân đội sang Venezuela, bởi khi đó Moscow có nguy cơ chạm trán với Trung Quốc và Mỹ. Hơn nữa, những nỗ lực công khai ủng hộ một chế độ đang hấp hối và vấp phải nhiều chỉ trích sẽ dẫn đến việc Moscow trở thành những vị khách bị căm ghét”.

Chuyên gia này cho rằng không nên xem những sự kiện đang diễn ra ở Venezuela là một cuộc đảo chính có toan tính. Ông nói: “Chính chính quyền địa phương đã đẩy đất nước đến tình trạng xung đột hiện nay. Tất nhiên, người Mỹ có kinh nghiệm trong việc khích lệ các cuộc đảo chính tại Mỹ Latinh. Điều này đã từng diễn ra tại Argentina, song hiện ở Venezuela chưa có những dấu hiệu tương tự… Mỹ không có quá nhiều lợi ích tại Venezuela. Mỹ có thể tự sản xuất dầu mỏ với khối lượng lớn và Venezuela cũng không phải thị trường tiêu thụ chủ lực của Mỹ”.

Theo ông Movchan, Mỹ sẽ không tiêu tốn nhiều sức lực và thời gian cho Venezuela, mà thay vào đó, Trung Quốc mới là nhân tố hoạt động tích cực tại quốc gia Mỹ Latinh này.

Liệu Nga và Mỹ có trực tiếp can dự vào Venezuela? - 3

Biểu tình ở Venezuela

Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn nhận định Mỹ đang có những sự chuẩn bị về mặt ngoại giao cho kịch bản dùng vũ lực. Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh mọi biện pháp đi ngược lại đặc quyền và quyền bất khả xâm phạm về ngoại giao mà cộng đồng ngoại giao đang sử dụng. Mỹ sẽ áp dụng tất cả các biện pháp phù hợp để truy cứu trách nhiệm bất cứ ai khiến sự an toàn của phái đoàn ngoại giao và nhân viên ngoại giao của Mỹ bị đe dọa”.

Nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc dùng vũ lực có thể sẽ đi ngược lại các lợi ích của Mỹ. Giám đốc chương trình Câu lạc bộ Valdai Andrei Sushentsov nói: “Việc xâm lược từ bên ngoài chắc chắn sẽ kéo theo những hệ quả phản tác dụng… Nhiều người nói là Mỹ đang tìm cớ để sử dụng kịch bản vũ lực, nhưng tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ tránh những biện pháp không mang lại kết quả”.

Phó Giáo sư Trường nghiên cứu quốc tế và toàn cầu thuộc trường Đại học Indiana - David Bosco cho rằng quyết định của Mỹ công nhận Guaidó là tổng thống hợp pháp của Venezuela là một động thái bất thường, và một số chuyên gia pháp lý coi đó là một “mối nguy hiểm” tiềm tàng.

Venezuela tiết lộ bằng chứng về âm mưu đảo chính do Mỹ hậu thuẫn

Một quan chức quân đội về hưu đã bị bắt khi đang cố nhập cảnh vào Venezuela để tổ chức đảo chính quân sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Tin tức Venezuela Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN