Liệu NATO có sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Nga?
Sau tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron, một thượng nghị sĩ Nga cảnh báo nếu NATO đưa quân đến Ukraine, đây có thể được xem là "một lời tuyên chiến" với Moscow. Khối quân sự này cũng rục rịch chuẩn bị cho viễn cảnh đối đầu với Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP
Sau khi chủ trì cuộc họp gồm 25 nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 26/2 tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng "không có sự đồng thuận" về việc đưa quân vào Ukraine. Tuy nhiên, ông Macron cũng nhấn mạnh: "Không nên loại trừ bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo Nga không thể chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine".
Cho tới thời điểm này, NATO vẫn chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ huấn luyện binh sĩ Ukraine và cung cấp cho Kiev vũ khí phòng thủ. Các nước thành viên NATO lo ngại, việc đối đầu trực tiếp với quân Nga ở Ukraine sẽ dẫn đến nguy cơ leo thang nghiêm trọng.
Lính thủy quân lục chiến Pháp trong cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ảnh: AFP
Khối quân sự do Mỹ dẫn đầu cũng đang tiến hành Steadfast Defender - cuộc tập trận quân sự lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, diễn ra từ tháng 1 đến tháng 5/2024, với sự tham gia của 31 nước thành viên.
"Steadfast Defender 2024 sẽ là một minh chứng rõ ràng cho sự đoàn kết và sức mạnh của NATO để bảo vệ các nước thành viên, các giá trị của khối và trật tự quốc tế", tướng Christopher Cavoli, một chỉ huy tại NATO, tuyên bố.
Một khía cạnh đáng chú ý trong cuộc tập trận là sự góp mặt của quân đội Mỹ và Canada. Điều đó vừa đóng vai trò như một sự trấn an với các đồng minh NATO ở châu Âu, vừa là một minh chứng cho việc NATO có thể đưa lực lượng lớn tới chiến trường.
Các cuộc tập trận nói chung được xem là một phần của hoạt động răn đe. Cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 của NATO mô phỏng "một kịch bản xung đột với một đối thủ ngang hàng". Theo The Conversation, "đối thủ ngang hàng" ở đây ám chỉ Nga. Điều này cho thấy NATO bắt đầu coi trọng về nguy cơ đối đầu trực tiếp với Moscow.
Sự đoàn kết đúng lúc?
Theo The Conversation, việc thể hiện sự đoàn kết và năng lực quân sự của NATO rất quan trọng sau 2 năm các thành viên trong khối có sự bất đồng về cách phản ứng với xung đột ở Ukraine và trong bối cảnh có tranh cãi về việc cung cấp vũ khí của các đồng minh phương Tây cho Ukraine.
Việc thể hiện sự đoàn kết và năng lực quân sự của NATO càng trở thành vấn đề quan trọng hơn với khối này sau những phát biểu gần đây của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng các thành viên NATO không đáp ứng các nguyên tắc chi tiêu sẽ không được Mỹ bảo vệ.
Các nước thành viên NATO phải chi ít nhất 2% GDP hàng năm của họ cho quốc phòng để đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu của khối. Thực tế phức tạp hơn rất nhiều.
Một số nước thành viên NATO ở Tây Âu như Đức hay Pháp, với dân số lớn và ở xa Nga hơn, không có xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng theo mục tiêu của NATO như những nước ở Đông Âu. Vì vậy, The Conversation cho rằng, dựa vào con số % chi tiêu quốc phòng để đánh giá giá trị tư cách thành viên NATO là không phù hợp.
NATO đã sẵn sàng đối đầu?
NATO được cho là chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Ảnh minh họa: BRI
Điều khoản quan trọng trong hiệp ước thành lập NATO là điều 5 - kiểm soát an ninh tập thể và buộc các thành viên của khối phải phản ứng nếu một thành viên trong khối bị một nước thù địch (không phải thành viên khối) tấn công.
Mỹ là quốc gia thành viên duy nhất sử dụng điều 5, hiệp ước NATO, sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Washington đã nhận được sự hỗ trợ từ các đồng minh NATO ở Afghanistan và "cuộc chiến chống khủng bố".
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng mà NATO phải đối mặt không phải là việc triển khai quân đội của khối mà là cung cấp trang bị cho họ trong thời gian dài.
Minh chứng rõ nhất là trong xung đột ở Ukraine. NATO không có kho dự trữ cũng như không có năng lực sản xuất khủng để cung cấp vũ khí, trang thiết bị cho một cuộc xung đột hiện đại, kéo dài.
Theo The Conversation, điều này là do NATO từ lâu đã lên kế hoạch cho cái được gọi là "chiến tranh thoải mái", có nghĩa là họ chỉ có thể chiến đấu khi còn đủ vũ khí, trang thiết bị và vật tư. Vì vậy, trong trường hợp xảy ra xung đột, NATO sẽ giải quyết xung đột càng nhanh càng tốt.
"Chúng tôi cần khối lượng lớn. Nhưng nền kinh tế vừa đủ mà NATO cùng nhau xây dựng trong 30 năm không phù hợp trong trường hợp có chiến tranh", đô đốc Rob Bauer, thuộc Hải quân Hà Lan và là cố vấn quân sự của NATO, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Warsaw (Ba Lan) vào tháng 10/2023.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thư ký NATO nói rằng Ukraine có quyền sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tự vệ, bao gồm cả việc tấn công các mục tiêu quân sự ở lãnh thổ Nga.