Liệu ‘liên minh hải quân’ có phá được vòng vây của Nga ở Biển Đen đưa ngũ cốc Ukraine ra ngoài?

Lithuania đề xuất thành lập một “liên minh hải quân” phá vòng vây của Nga tại Biển Đen mở đường cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc. Câu hỏi đặt ra là liệu động thái này có khả thi?

Theo đài DW News của Đức, Lithuania đề xuất thành lập một “liên minh hải quân” phá vòng vây của Nga tại Biển Đen mở đường cho Ukraine xuất khẩu ngũ cốc. Câu hỏi đặt ra là liệu động thái này có khả thi?

Ba tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Điện Kremlin tiếp tục phong tỏa các cảng của Ukraine trên Biển Đen, làm gia tăng lo ngại về viễn cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Đầu tháng này, Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc - ông David Beasley đã cảnh báo rằng hàng triệu người trên thế giới có thể sẽ chết nếu như các cảng của Ukraine tiếp tục bị phong tỏa.

Nỗ lực phá vòng vây Nga, đưa nông sản Ukraine rời cảng Biển Đen

Biển Đen giáp Ukraine ở phía bắc, giáp Nga và Georgia ở phía đông, giáp Thổ Nhĩ Kỳ ở phía nam, và giáp Bulgaria và Romania ở phía tây.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Moscow vẫn chiếm ưu thế ở phía bắc Biển Đen và đã phong tỏa các cảng của Ukraine.

Cảng Odesa của Ukraine. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Cảng Odesa của Ukraine. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Theo hãng tin Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Nga - ông Andrei Rudenko cho biết rằng Moscow sẵn sàng mở hành lang cho phép tàu thuyền chở thực phẩm lưu thông, nhưng chỉ với điều kiện phương Tây phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Giữa lúc các nhà lãnh đạo thế giới đang tìm cách phá thế trận của Nga ở Biển Đen, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania - ông Gabrielius Landsbergis đã đề xuất thành lập một “liên minh hải quân” nhằm bảo vệ các tàu Ukraine khỏi tên lửa của Nga và từ đó cho lượng ngũ cốc của Ukraine có thể vượt Biển Đen đi ra thế giới.

"Trong nỗ lực này, tàu hoặc máy bay quân sự hoặc cả hai sẽ được sử dụng để bảo vệ tàu chở ngũ cốc Ukraine rời cảng Odesa một cách an toàn và đến eo biển Bosporus mà không bị Nga ngăn cản. Chúng ta sẽ cần một liên minh, gồm các quốc gia có sức mạnh hải quân đáng kể và các quốc gia bị ảnh hưởng, bảo vệ các tuyến đường vận chuyển. Đây sẽ là một sứ mệnh nhân đạo phi quân sự và không thể so sánh với vùng cấm bay" - ông chia sẻ với tờ The Guardian hồi tuần trước.

Cho đến nay, đề xuất của ông Landsbergis đã được phía Anh chào đón một cách thận trọng. Theo đó, Ngoại trưởng Anh - bà Liss Truss nhấn mạnh rằng: “Những gì chúng tôi cần làm là đối phó với vấn đề an ninh lương thực toàn cầu này và Anh đang thực hiện một giải pháp cấp bách để đưa ngũ cốc ra khỏi Ukraine”.

Ông Harry Nedelcu - chuyên gia tại công ty tư vấn chính trị Rasmussen Global có trụ sở tại Đan Mạch - nói rằng đề xuất của Lithuania là một giải pháp có thể xem xét nhằm phá vỡ thế phong tỏa của Nga trên Biển Đen.

"Nga có đến vài chục tàu ở Biển Đen, bao gồm cả tàu ngầm. Vì vậy, một lựa chọn khác để dỡ bỏ phong tỏa là các nước cung cấp cho Ukraine những vũ khí hiện đại tinh vi hơn để đánh chìm tàu Nga. Theo đó, phong tỏa sẽ không còn nữa và Kiev có thể đưa tàu chở ngũ cốc của họ đi qua khu vực này” - ông Nedelcu nói.

NATO có tham gia?

Do Điện Kremlin liên tục chỉ trích chiến dịch “đông tiến” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ngoại trưởng Landsbergis nhấn mạnh NATO, liên minh quốc phòng lớn nhất thế giới, sẽ không tham gia một nhiệm vụ hải quân như vậy ở Biển Đen.

Ông Ian Anthony - Giám đốc Chương trình An ninh châu Âu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) - chỉ ra rằng đã có nhiều lần các nước NATO thực hiện các sứ mệnh hợp tác hải quân bằng chính năng lực quốc gia, nằm bên ngoài khuôn khổ NATO.

"Đã có một sứ mệnh quốc tế bảo vệ hàng hải thương mại khỏi cướp biển ở Ấn Độ Dương, ở Biển Đỏ, ở Đông Nam Á. Ngoài ra, EU cũng đã có một sứ mệnh bảo vệ tàu chống cướp biển ở Tây Phi và ở Ấn Độ Dương. Vì vậy, một sứ mệnh hải quân ở Biển Đen để bảo vệ các tàu Ukraine cũng có thể hoạt động mà không có NATO theo cách tương tự" - ông Anthony nói.

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng Lithuania cũng gợi ý rằng ngoài Anh, các nước bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine, như Ai Cập, có thể cử tàu của họ hộ tống các tàu chở ngũ cốc của Kiev.

Trong một báo cáo gửi cho SIPRI hồi đầu tháng 5, ông Anthony cũng trình bày cách LHQ có thể triển khai một đội tàu quốc tế, có sự góp mặt của Trung Quốc và Ấn Độ, để hỗ trợ nỗ lực phá vỡ vòng vây tại Biển Đen.

"Theo ý kiến ​​của tôi, lý tưởng nhất là các đoàn tàu hải quân sẽ bao gồm các tàu từ nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia bị đe dọa nhiều nhất về an ninh lương thực. Họ sẽ đóng vai trò bảo vệ các tàu chở ngũ cốc Ukraine vượt Biển Đen" - ông nói.

Tuy các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ không lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, ông Anthony nhấn mạnh rằng nếu sứ mệnh hải quân quốc tế đóng vai trò như một sứ mệnh nhân đạo nhằm giảm thiểu tình trạng mất an ninh lương thực, thì không có lý do gì mà các quốc gia lại không ủng hộ.

Hơn nữa, ông giải thích rằng trong nhiệm vụ hải quân này, điều quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ phải đóng một vai trò không thể thiếu vì nước này canh gác lối vào Biển Đen.

"Thổ Nhĩ Kỳ có các nghĩa vụ pháp lý theo Công ước Montreux về cách thức hành động trong thời chiến. Vì đã thừa nhận rằng có chiến tranh ở Ukraine, nên theo Công ước Montreux, Ankara có nghĩa vụ đóng cửa eo biển đối với các tàu quân sự và đó là những gì họ đã làm" - ông Anthony cho biết.

Công ước Montreux trao cho Ankara quyền kiểm soát eo biển Bosporus và Dardanelles và điều phối giao thông hàng hải ở Biển Đen. Tuy nhiên, ông Anthony cũng giải thích rằng ngay cả trong chiến tranh, vẫn có những trường hợp nhất định mà Thổ Nhĩ Kỳ không cần phải đóng cửa eo biển đối với tàu chiến.

Có hai trường hợp: một, theo ông Anthony, Thổ Nhĩ Kỳ là một bên tham chiến và điều này hiện không xảy ra; và hai là khi Ankara tuyên bố họ đang gặp nguy hiểm trực tiếp. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, vì vậy cuộc khủng hoảng an ninh đang ảnh hưởng tới đất nước này và có thể châm ngòi tình trạng bất ổn trong nước.

Theo đó, ông Anthony nhận định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tuyên bố rằng họ “coi tình trạng hiện tại là mối nguy hiểm hiện hữu đối với an ninh quốc gia”.

“Trong hoàn cảnh đó, Ankara sẽ có thể cho phép các tàu quân sự đi qua các eo biển theo Công ước Montreux. Điều này đóng một vai quan trọng đó trong nỗ lực phá vòng vây ở Biển Đen” - ông nói thêm.

Video: Cận cảnh chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr ở Biển Đen

Bộ Quốc phòng Nga ngày 21.5 công bố video về vụ phóng tên lửa hành trình Kalibr từ một tàu chiến thuộc hạm đội Biển Đen, trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Khang ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN