Liệu EU có áp thành công giá trần dầu, rồi kinh tế Nga thiệt tới đâu?

EU vừa thống nhất áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng, liệu có làm được không và nếu được thì Nga sẽ tổn thất như thế nào?

Ngày 2-12, Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thỏa thuận giữa các nước thành viên về mức giá trần 60 USD/thùng cho dầu Nga sau nhiều lần đàm phán căng thẳng, theo hãng tin Reuters.

Thỏa thuận trên được công bố sau khi Ủy ban châu Âu (EC) giải quyết được những khó khăn vào phút cuối, khi Ba Lan đòi hạ mức giá trần dầu Nga xuống thấp hơn so với mức đề xuất ban đầu - khoảng 65-70 USD/thùng.

Tối 2-12, nhóm G7 (nhóm 7 nền nước công nghiệp phát triển bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Nhật) và Úc cũng ký thỏa thuận thông qua mức giá trần trên cho dầu Nga.

Tàu chở dầu Nga tại cảng Sheskharis ở TP Novorossiysk (Nga). ẢNH: AP

Tàu chở dầu Nga tại cảng Sheskharis ở TP Novorossiysk (Nga). ẢNH: AP

Áp trần giá dầu Nga 60 USD/thùng, liệu EU có làm được hay không?

Theo Reuters, các văn kiện chính thức vụ áp giá trần dầu Nga dự kiến sẽ được thống nhất được phê duyệt vào cuối tuần này trong cuộc họp cấp cao của các thành viên EU tại Brussels (Bỉ).

Theo đó, mức giá trần trên sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5-12. Cùng ngày, EU có thể cũng sẽ áp dụng lệnh cấm vận chuyển bằng đường biển đối với dầu Nga ra thị trường thế giới.

Sau khi mức giá trần có hiệu lực, EU sẽ tiếp tục quan sát tác động của nó lên biến động của thị trường dầu mỏ thế giới, nhưng không rõ là có tiếp tục đưa ra điều chỉnh về mức giá trần này hay không, theo Reuters.

Mức giá trần dầu Nga sẽ yêu cầu các công ty bảo hiểm, cấp vốn hoặc vận chuyển của phương Tây chỉ cung cấp các dịch vụ trên cho Nga khi dầu được bán đi từ mức 60 USD/thùng trở xuống. Ngoài ra, mức giá trần này cũng buộc các nước giao dịch dầu với Nga phải tuân thủ việc áp dụng mức giá 60 USD/thùng trở xuống cho dầu Nga.

Đây là kế hoạch mà phương Tây tạo nên nhằm cắt giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga trong khi vẫn có thể giữ được nguồn cung trên thị trường. Đây cũng là phương pháp mà các nước phương Tây tin rằng có thể tước đoạt doanh thu khổng lồ mà Moscow dùng để tài trợ cho các hoạt động quân sự tại Ukraine.

Nga sẽ thiệt hại mức nào nếu EU áp giá trần dầu thành công?

Đài ABC News dẫn lời chuyên gia Simone Tagliapietra chuyên về các chính sách năng lượng tại Viện Nghiên cứu Bruegel (thủ đô Brussels, Bỉ) rằng mức giá trần mà phương Tây áp lên dầu Nga có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nguồn thu của Moscow.

Cụ thể, theo ông Tagliapietra việc EU áp mức giá trần 60 USD/thùng là khá gần với mức giao dịch mà Nga bán dầu cho các nước châu Á.

Theo nhiều nguồn thạo tin, hiện Ấn Độ đang nhập dầu của Nga với mức chiết khấu 25-35 USD/thùng so với giá dầu Brent (loại dầu được dùng để tinh chế ra dầu diesel và xăng). Giá dầu Brent hiện được giao dịch ở mức 85 USD/thùng. Như vậy, Nga có thể bán dầu ở mức 60 USD/thùng, giá phù hợp với mức giá trần mà phương Tây đưa ra.

Bên cạnh đó theo ABC News, để phản ứng với mức giá trần trên, Nga có thể cắt giảm sản lượng xuất khẩu sang châu Âu, đồng thời Moscow có thể đẩy mạnh việc mở rộng thị trường sang các nước châu Á để thay thế thị trường phương Tây.

Cụ thể, hiện Nga đang nỗ lực tăng xuất khẩu dầu sang các nước châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc (TQ). Theo đó, ngoài thị trường EU, các nước này là những nước nhập khẩu dầu hàng đầu từ Nga.

Theo ông Tagliapietra mức giá trần 60 USD/thùng vẫn chưa phải là con số thỏa mãn, nhưng phần nào nó có thể ngăn Moscow thu lợi từ việc bán dầu trên thị trường.

Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng nếu mức 60 USD/thùng không phát huy tác dụng thì phương Tây có thể tiếp tục hạ giá trần dầu Nga xuống mức thấp hơn, song vấn đề là thời gian. Phương Tây đã mất rất nhiều tháng để có thể đưa ra sự đồng thuận cho mức giá trần trên.

Giới chức Moscow từng nhiều lần cảnh báo rằng hành động này của phương Tây có thể tàn phá thị trường dầu thế giới, thậm chí là đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa.

Cụ thể, hồi cuối tháng 11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga - bà Maria Zakharova từng cảnh báo rằng việc đặt ra mức giá trần cho dầu Nga là 1 biện pháp chống lại thị trường, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và có thể làm phức tạp thêm thị trường dầu khí toàn cầu.

Ngoài ra, bà Zakharova còn nhấn mạnh rằng một khi quyết định áp giá trần dầu Nga được đưa ra, Moscow sẽ ngừng toàn bộ giao dịch với các nước áp dụng giá trần này, thậm chí là cắt giảm sản lượng khai thác và thắt chặt nguồn cung trên thị trường.

Các cường quốc có cùng hướng đi trong “cuộc chiến” dầu Nga?

Theo ABC News mức giá trần dầu Nga do phương Tây đưa ra khó có thể nhận được sự đồng thuận từ tất cả các cường quốc trên thế giới.

Cụ thể, TQ và Ấn Độ nhiều khả năng sẽ không đồng ý với mức giá trần trên. Nga hoặc TQ có thể tự thành lập các nhà cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ vận chuyển của riêng họ để thay thế các công ty cung cấp các dịch vụ trên từ phương Tây.

Về phía Nga, ABC News cho biết Moscow chắc chắn sẽ không tuân thủ mức giá trần trên và có thể trả đũa.

Nguồn: [Link nguồn]

Phản ứng đầu tiên từ Moscow sau khi EU, G7 quyết định mức áp trần giá dầu Nga

Moscow cảnh báo động thái áp trần giá dầu Nga của phương Tây là “nguy hiểm”. Trong khi đó, Ukraine muốn mức giá trần giảm sâu hơn nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CHÍ THANH ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN