Liệu chiến đấu cơ Israel có thể dội bom Iran mà vẫn quay trở về an toàn?
Israel đã chuẩn bị các phương tiện tập kích mục tiêu trong lãnh thổ Iran trong hàng thập kỷ và cách hiệu quả nhất là sử dụng chiến đấu cơ, đặc biệt là các phi đội tiêm kích tàng hình F-35.
Iran phóng tên lửa trong một cuộc diễn tập quân sự.
Hôm 16/4, quân đội Israel một lần nữa khẳng định không bỏ qua cho Iran sau vụ tấn công chưa từng có vào cuối tuần trước.
“Chúng tôi không thể bỏ qua cho kiểu gây hấn này”, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari nói.
Bộ trưởng Nội các Chiến tranh Israel, Benny Gantz nói các phản ứng của Israel sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng chứ không phải là phản ứng một cách vội vàng.
Cho đến nay, giới lãnh đạo Israel không loại trừ khả năng tấn công trực tiếp mục tiêu trong lãnh thổ Iran. Từ năm 2006, các quan chức Israel đã nói về khả năng tấn công mục tiêu ở Iran, đặc biệt là các cơ sở hạt nhân. Israel cũng có thể lựa chọn các mục tiêu như cơ sở quân sự, kho vũ khí và mạng lưới hạ tầng năng lượng của Iran.
Nhưng các chuyên gia cảnh báo không quân Israel có thể thiếu những năng lực quan trọng để thực hiện một cuộc tấn công như vậy. Nếu Israel huy động không quân, đó có thể sẽ là một trong những trận không chiến lớn nhất ở Trung Đông trong nhiều thập kỷ, theo trang The National.
Để bù đắp cho lực lượng không quân lỗi thời với các máy bay phản lực có tuổi đời lên tới hàng chục năm, Iran đã xây dựng mạng lưới phòng không đáng gờm.
Năm 2007, Iran mua các tổ hợp phòng không S-300 của Nga, Đơn hàng đã được hoàn tất vào năm 2016. Iran cũng phát triển các hệ thống phòng không nội địa như Bavar-373, bố trí phòng không dày đặc và triển khai các radar có thể phát hiện máy bay tàng hình.
Cựu Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu. Ở đằng sau là hệ thống phòng không tầm xa Bavar-373 do Iran tự phát triển.
Ngay cả Mỹ, quốc gia sở hữu lực lượng không quân mạnh nhất thế giới, cũng được cho là đối mặt với những trở ngại nếu thực hiện sứ mệnh ném bom nhằm vào Iran, các chuyên gia nói trên tờ The National.
James Beldon, cựu chỉ huy phi đội thuộc không quân Anh, chuyên gia về sức mạnh không quân, nói một nhiệm vụ như vậy sẽ “rất khó khăn, ngay cả với Mỹ”.
Giới chức Mỹ đã khẳng định Washington không tham gia nếu Israel mở cuộc tấn công đáp trả Iran. Điều đó nghĩa là Israel phải đơn độc thực hiện cuộc tấn công mà không có sự hỗ trợ của Mỹ.
"Mỹ là quốc gia duy nhất có thể triển khai các hoạt động hỗ trợ chiến đấu ở mọi nơi, tầm quan trọng của các máy bay tiếp dầu và máy bay cảnh báo sớm là rất đáng kể trong các sứ mệnh tấn công tầm xa có sự tham gia của các chiến đấu cơ", ông Beldon nói.
"Không có các máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp nhiên liệu của Mỹ, lựa chọn tấn công trực tiếp Iran của Israel sẽ rất hạn chế", ông Beldon nói thêm.
Thành công hay thất bại trọng cuộc tập kích của Israel phụ thuộc vào cuộc đối đầu giữa các máy bay Israel và hệ thống phòng không Iran, theo trang The National.
Trong trường hợp này, các máy bay F-35 và F-16 của Israel vừa phải vô hiệu hóa phòng không Iran, vừa thực hiện nhiệm vụ ném bom và rời đi trước khi không quân Iran phản ứng.
Các radar trên mặt đất của Iran sẽ liên tục tìm kiếm các máy bay Israel nhưng điều này cũng khiến radar để lộ vị trí.
Các chiến đấu cơ F-16 của Israel được trang bị bộ tác chiến điện tử trên không Elisra với khả năng cảnh báo phi công về tín hiệu radar và đối phương phóng tên lửa.
Thông tin này được truyền tải giữa các chiến đấu cơ Israel trong mạng lưới để giáng đòn đáp trả bằng tên lửa hành trình Deliah. Tên lửa này có thể tấn công các radar của Iran và phá hủy các đơn vị phòng không.
Tuy nhiên, Iran có thể đáp trả bằng cách liên tục di chuyển radar phòng không và kết hợp bật tắt để gây khó dễ cho máy bay Israel.
Điều đó có nghĩa là trừ khi Israel có hình ảnh thời gian thực về các bệ phóng tên lửa phòng không Iran, các máy bay xâm nhập không phận sẽ đối mặt rủi ro rất lớn.
Năm 2020, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin, Iran đã thành công trong việc theo dõi các tiêm kích tàng hình F-35 bằng radar phòng không Rezonans-NE do Nga cung cấp.
Để đối phó mối đe dọa từ mạng lưới phòng không, quân đội Mỹ có các tên lửa tàng hình tầm xa uy lực như JASSM. Tên lửa này có tầm bắn nằm ngoài phạm vi hoạt động của hầu hết các hệ thống phòng không.
Tiêm kích tàng hình F-35 của Israel.
Nhưng Israel thiếu các vũ khí tương tự. Justin Bronk, chuyên gia về sức mạnh không quân tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói việc thiếu vũ khí phù hợp để tấn công Iran có thể là một vấn đề đối với Israel.
Ông Bronk nói Israel có thể phải dựa vào chiến thuật và khả năng tàng hình của tiêm kích F-35 để áp sát phòng không Iran càng gần càng tốt trước khi bị phát hiện.
"Israel có các phi đội máy bay F-35, F-16 và F-15 và nhiều vũ khí tấn công tầm ngắn cho phép thực hiện các cuộc không kích trong lãnh thổ Iran, trong trường hợp không quân Israel chấp nhận rủi ro", ông Bronk nhận định.
Chuyên gia Beldon cảnh báo, rất có khả năng có máy bay Israel bị Iran bắn rơi, phi công bị bắt sống. "Đó là vấn đề khiến giới lãnh đạo quân sự Israel phải cân nhắc vì không ai muốn lặp lại cuộc khủng hoảng con tin giống như ở Dải Gaza", ông Beldon nói.
Cuối cùng, nếu Mỹ không bố trí các máy bay tiếp nhiên liệu, rất có khả năng một số chiến đấu cơ Israel không đủ nhiên liệu để thực hiện cuộc không kích rồi quay về. Những yếu tố khó lường khi xâm nhập không phận Iran có thể khiến máy bay Israel tiêu tốn nhiên liệu lớn hơn dự tính.
Chuyên gia Beldon nói nếu giới lãnh đạo Israel quyết tâm đáp trả Iran bằng cách thực hiện cuộc không kích thì đồng nghĩa sẽ chấp nhận rủi ro.
Năm 1981 Israel từng thực hiện cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm vào một cơ sở hạt nhân đang được xây dựng ở Iraq. 8 trong số 16 quả bom mà các chiến đấu cơ F-16 của Israel ném đã đánh trúng cơ sở hạt nhân. Các máy bay Israel sau đó tránh được tất cả tên lửa phòng không mà quân đôi Iraq phóng đi để quay trở về an toàn. Toàn bộ cuộc tập kích diễn ra trong chưa tới 2 phút.
Iran tấn công với hỏa lực vừa đủ để phòng không Israel đánh chặn, tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh tổng lực, nhưng vẫn thể hiện được khả năng răn đe.
Nguồn: [Link nguồn]