Liệu bom chùm có giúp Ukraine thay đổi được tình thế?
Cuối cùng, Mỹ cũng đã quyết định cung cấp cho Ukraine loại bom chùm, vốn bị cấm ở đại đa số các quốc gia trên thế giới.
Máy bay ném bom Rockwell B-1 Lancer của Không quân Hoa Kỳ thả hàng tấn bom chùm. Ảnh: USAF
Được biết, các vị dân biểu Mỹ đã can ngăn Tổng thống Joe Biden không nên tiến hành bước đi như vậy. Và ngay cả tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) cũng đã lên án ý định này: "Việc chuyển giao loại vũ khí này chắc chắn sẽ dẫn đến sự đau khổ lâu dài cho dân thường và vô hiệu hóa sự chỉ trích quốc tế về việc sử dụng chúng".
1. Tại sao Mỹ quyết định làm điều này?
Tất cả các chuyên gia quân sự đều đồng ý với nhau rằng một quyết định như vậy được đưa ra vì Mỹ mong muốn bù đắp cho Ukraine do những thất bại nghiêm trọng của họ trong cuộc phản công Nga. Con số tổn thất của Ukraine về nhân lực (cũng như thiết bị quân sự) là rất lớn, và kết quả thật tồi tệ.
Laura Cooper, phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề Nga, Ukraine và Á-Âu không cần che giấu: "Điều này là do nhu cầu đột phá hệ thống phòng thủ của quân đội Nga".
2. Bom chùm là gì? Chúng hoạt động như thế nào?
Đây là loại bom (đạn) “không đối đất” hoặc “đất đối đất”. Nó có thể là một tên lửa đặc biệt, một quả bom hoặc một quả đạn, trong đó chứa một số lượng lớn "bom, đạn con" - các thiết bị nổ riêng biệt. Nói một cách đơn giản, đây là những thùng chứa được mở ra trong không khí trên khu vực được chỉ định để phá hủy và phát tán một lượng lớn các thiết bị nổ.
Năm 1991, những quả bom chùm đang chờ được đưa lên máy bay trong những ngày Mỹ thực hiện chiến dịch ở Iraq, được mệnh danh là "Bão táp sa mạc". Ảnh: EAST NEWS
Nói một cách đơn giản, bom, đạn chùm là loại vũ khí có khả năng "gieo vãi" và tấn công một khu vực rất rộng lớn cùng một lúc. Những quả bom, đạn như vậy sẽ không để lại bất cứ thứ gì còn sống sót dưới sức hủy diệt của chúng.
Diện tích phá hủy của loại bom, đạn như vậy cao gấp khoảng 5 lần so với loại thông thường.
Điều đặc biệt được coi là vô nhân đạo là vì một phần của bom, đạn này rải xuống không phát nổ ngay và nằm trong lòng đất trong nhiều năm. Kết quả là, dân thường sẽ phải chịu hậu quả lâu dài.
3. Kiev đã yêu cầu Washington cung cấp loại bom chùm nào?
Ukraine đã yêu cầu Mỹ cung cấp cho họ bom chùm Mk 20 Rockeye-II. Loại bom nặng 222 kg. Và mỗi quả bom này mang theo 247 quả bom con với đầu đạn có khả năng xuyên giáp dày khoảng 190 mm. Khi thả một quả bom này, khu vực bị ảnh hưởng của nó xấp xỉ bằng diện tích một sân bóng đá (100 x 70 mét).
Có thông tin rò rỉ cho rằng Ukraine đang lên kế hoạch thả loại bom này từ máy bay không người lái. Ở đây, đã có sự tính toán vì phần "ruột" của Mk 20 có khả năng xuyên giáp lớn hơn so với loại bom đang được thả từ máy bay không người lái xung kích.
4. Quyết định cung cấp bom, đạn chùm của Mỹ cho Ukraine liên quan tới công ước quốc tế về sử dụng loại vũ khí này như thế nào?
Công ước về bom, đạn chùm là một hiệp ước quốc tế nghiêm cấm việc sử dụng, vận chuyển và tàng trữ các loại bom và đạn như vậy. Công ước được ký kết vào năm 2008, có hiệu lực từ năm 2010 và đến nay đã có 113 quốc gia ký kết. Họ cam kết "không bao giờ được sử dụng bom chùm và trong mọi trường hợp":
a) Không sử dụng bom, đạn chùm;
b) Không phát triển, sản xuất, mua, tàng trữ, lưu giữ hoặc chuyển giao bom, đạn chùm cho bất kỳ ai;
c) Không giúp đỡ, khuyến khích hoặc xúi giục bất kỳ ai sử dụng vũ khí vô nhân đạo này.
34 quốc gia chưa ký công ước. Trong số đó có Mỹ, Israel, Ukraine và Nga.
5. Liệu Ukraine có thể xoay chuyển tình thế trên chiến trường bằng bom chùm?
Hy vọng của Kiev về điều này có thể trở thành một ảo tưởng, giống như niềm tin mù quáng vào sức mạnh của các loại vũ khí phương Tây khác. Bom chùm là một yếu tố nghiêm trọng và đặc biệt tàn ác, tinh vi trên chiến trường.
Nhưng rõ ràng là quân đội Nga sẽ không ngồi bao giờ ngồi im trong chiến hào chờ đợi quân Ukraine ném bom chùm vào họ. Các nhà kho chứa bom chùm cũng sẽ bị tấn công bằng chính loại đạn đó. Cũng như các loại máy bay hoặc máy bay không người lái mang bom chùm cũng sẽ là mục tiêu của lực lượng phòng không Nga. Các hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Nga sẽ "loại bỏ" chúng.
Cuối cùng, nếu Mỹ và Ukraine thực hiện một bước như vậy, không có gì có thể ngăn cản Nga có hình thức đáp trả bằng bom và đạn pháo tương tự.
Mỹ nói bom, đạn chùm cung cấp cho Ukraine có tỉ lệ trục trặc dưới 3%, nhưng theo số liệu thực tế, loại vũ khí sát thương cao này của Mỹ thường gặp vấn đề khi sử dụng...
Nguồn: [Link nguồn]