Liên Triều tranh cãi quanh phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc
KCNA và Bộ Thống nhất Hàn Quốc tranh cãi qua lại quanh phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol liên quan quan hệ hợp tác giữa Triều Tiên và Nga, sau chuyến đi của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Nga.
Ngày 25-9, truyền thông Triều Tiên và Bộ Thống nhất Hàn Quốc tranh cãi qua lại quanh phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol liên quan quan hệ hợp tác giữa Triều Tiên và Nga sau chuyến đi của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Nga.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) tuần qua, ông Yoon nói rằng nếu Nga giúp Triều Tiên tăng cường chương trình vũ khí để đổi lấy sự hỗ trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt do Moscow triển khai ở Ukraine thì đó sẽ là “một hành động khiêu khích trực tiếp”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại sân bay vũ trụ Vostochny ngày 13-9. Ảnh: AP
Ngày 25-9, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đăng bài đáp trả ông Yoon, cáo buộc ông Yoon “vu khống ác ý” mối quan hệ hợp tác thân thiện giữa Triều Tiên và Nga.
“Việc các nước láng giềng giữ quan hệ chặt chẽ với nhau là điều khá tự nhiên và bình thường và không có lý do gì để suy xét đến hành động đó. Đặc biệt, việc phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia là quyền chính đáng của một quốc gia có chủ quyền, là nền tảng cho hòa bình, ổn định khu vực và toàn cầu” - theo bản tin của KCNA.
Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cùng ngày 25-9 đã chỉ trích việc Triều Tiên, thông qua KCNA, phê phán Tổng thống Yoon.
Ông Kim có chuyến thăm Nga từ ngày 12 đến 17-9, trong đó ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế, theo hãng tin Reuters.
Giới chức Mỹ và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể đang cố gắng mua đạn dược từ Triều Tiên để bổ sung cho lực lượng của họ trên chiến trường Ukraine, còn Triều Tiên tìm kiếm sự trợ giúp về công nghệ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Mọi hoạt động hỗ trợ chương trình vũ khí của Triều Tiên đều bị nghiêm cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Chính sách đối ngoại của CHDCND Triều Tiên… sẽ không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, và quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng thân thiết sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn” - bài bình luận của KCNA viết.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong một nhà máy ở Hàn Quốc, dây chuyền sản xuất tự động và công nhân tay nghề cao đang nhanh chóng sản xuất những vũ khí mà có thể đóng vai trò to lớn ở Ukraine.