Liên minh chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu không hiệu quả?
Trước sự thách thức của Trung Quốc trên biển và đất liền, liên minh Đối thoại An ninh Tứ giác (QSD), gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc, được thiết lập để tăng cường hợp tác quân sự và thương mại, nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Liên minh chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu liệu có thành công? Ảnh minh họa: The Strategy Bridge
Tờ The Eurasian Times hôm 21/9 đưa tin, "bộ tứ" - Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc - dự kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào đầu tháng 10 ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, để thảo luận về sự bành trướng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.
Theo các nguồn tin Nhật Bản, trong hội nghị thượng đỉnh, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ tổ chức một cuộc gặp với các nhà ngoại giao hàng đầu của 3 nước còn lại. Ngoài ra, một cuộc họp giữa Ngoại trưởng 4 bên cũng có thể được diễn ra.
Hội nghị thượng đỉnh của QSD không thể diễn ra sớm hơn vì các nước đều phải giải quyết các vấn đề với Trung Quốc. Mỹ vướng vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và có khả năng xảy ra xung đột với Bắc Kinh ở Biển Đông. Ấn Độ tham gia vào cuộc tranh chấp ở biên giới với Trung Quốc. Nhật Bản lo ngại về sự bành trướng của Bắc Kinh gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Úc cam kết tạm dừng các phương án trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai Con đường".
Vào đầu tháng 9, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với 3 nước còn lại trong QSD, cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chống lại Trung Quốc.
Theo tờ SCMP, Biegun muốn "bộ tứ" hợp tác với nhau để đối phó với "thách thức tiềm tàng do Trung Quốc tạo ra".
Khi nói chuyện với đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, Richard Verma, trong một cuộc thảo luận trực tuyến do Diễn đàn đối tác chiến lược Mỹ - Ấn Độ tổ chức, ông Biegun nói: "Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ. Khu vực này không có bất kỳ tổ chức nào như NATO hay Liên minh châu Âu. Tôi nghĩ các tổ chức mạnh nhất ở châu Á vẫn chưa đủ tiềm năng và vì vậy chắc chắn ở khu vực này có nhu cầu thành lập một cấu trúc lớn mạnh như NATO... Hãy nhớ rằng, ngay cả NATO cũng bắt đầu với những kỳ vọng tương đối khiêm tốn".
Theo các chuyên gia, việc chính thức hóa liên minh QSD là một trở ngại lớn với Trung Quốc, quốc gia vốn không ngại đối đầu trực tiếp với từng quốc gia nhưng lại không thể đối phó với một liên minh như QSD.
Kênh truyền hình ABC (Úc) dẫn lời một chuyên gia cho biết: "Trung Quốc không ngờ một liên minh chống lại họ được thành lập. Nhưng chính họ buộc chúng tôi phải làm vậy. Và liên minh này đang khiến Bắc Kinh phải phiền lòng".
Tuy nhiên, theo chia sẻ trên Thời báo Hoàn cầu của Qian Feng, một chuyên gia quốc phòng Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản khó có thể đóng góp đáng kể tại cuộc họp thượng đỉnh của QSD nhằm chống lại Trung Quốc.
"Ấn Độ và Nhật Bản muốn tạo động lực thông qua cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới để gây áp lực với Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định chắc chắn rằng họ sẽ có những động thái rõ rệt chống lại Bắc Kinh sau hội nghị thượng đỉnh.
Nguyên nhân là do quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ và Trung Quốc - Nhật Bản không suy giảm nhanh chóng như quan hệ Trung Quốc - Mỹ. Dù New Delhi muốn gây áp lực với Bắc Kinh, nhưng giải quyết tranh chấp Trung - Ấn thông qua đàm phán vẫn là xu hướng chung.
Về phía Nhật Bản, nước này có thể vẫn muốn ổn định quan hệ với Trung Quốc khi xét đến sự phát triển kinh tế trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19. Vì vậy, New Delhi và Tokyo khó có thể dùng lời lẽ hoặc có hành động cực đoan để chọc tức Bắc Kinh", chuyên gia Qian nhận định.
Với việc Ấn Độ đạt được đồng thuận 5 điểm với Trung Quốc về xung đột biên giới, vẫn chưa rõ liệu New Delhi có muốn gây bất lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra với Bắc Kinh bằng cách thực hiện một "bước đi lớn" trong hội nghị thượng đỉnh của QSD sắp tới hay không.
Một câu hỏi nữa cũng nảy sinh giữa các nhà phân tích là lập trường chống Trung Quốc của Mỹ có bị thay đổi do những biến động chính trị bên trong Washington trước cuộc bầu cử vào tháng 11 hay không.
Theo một bài viết trên tờ Diplomat, ngay cả khi có sự thay đổi về người lãnh đạo, không có thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc.
"Sẽ có sự khác biệt về giọng điệu, phong cách, ngôn từ giữa chính quyền Biden và chính quyền Trump khi nói đến Trung Quốc, hơn là sự thay đổi trong chính sách", theo Diplomat.
"Bộ tứ" quốc gia chống Trung Quốc có cuộc họp đầu tiên vào tháng 9/2019. Cuộc họp, diễn ra dưới thời cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, như một biện pháp để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỹ và Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực lôi kéo Philippines trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở nhiều mặt, không chỉ bao...