Liên hợp quốc sẵn sàng cho quyết định "đau lòng" ở Afghanistan
Các quan chức Liên hợp quốc cho biết, họ đã sẵn sàng đưa ra quyết định “đau lòng” nếu không thuyết phục được Taliban thay đổi sắc lệnh về phụ nữ Afghanistan.
Taliban đang nắm quyền kiểm soát Afghanistan (ảnh: CNN)
Trả lời phỏng vấn của báo giới hôm 18/4, ông Achim Steiner – Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) – cho biết, giới chức Liên hợp quốc đã dành nhiều thời gian thuyết phục Taliban thay đổi sắc lệnh cấm phụ nữ làm việc cho Liên hợp quốc nhưng bất thành.
Các cơ quan Liên hợp quốc đã sẵn sàng rời khỏi Afghanistan vào tháng 5, nếu Taliban không thay đổi quyết định, Guardian dẫn lời ông Steiner cho hay.
“Thật lòng mà nói, chúng ta đang ở khu vực mà toàn bộ hệ thống của Liên hợp quốc phải lùi một bước và đánh giá lại khả năng hoạt động của mình”, ông Steiner nói.
“Tôi cho rằng không có cách nào khác hơn là phải đưa ra lựa chọn đau lòng. Tôi tưởng tượng ngày Liên hợp quốc không còn hiện diện ở Afghanistan. Trước mắt tôi là hình ảnh hàng triệu cô gái, cậu bé, cha mẹ và những người thân của họ sẽ không đủ ăn”, ông Steiner nói thêm.
Tháng 12 năm ngoái, Taliban đã ra sắc lệnh cấm phụ nữ làm việc cho các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài Afghanistan. Sắc lệnh này cũng hạn chế khả năng tiếp cận với giáo dục của phụ nữ Afghanistan.
Liên hợp quốc được miễn trừ khỏi lệnh cấm.
Tuy nhiên, hôm 4/4, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc – ông Stephane Dujarric – cho biết, chính quyền Taliban đã siết chặt lệnh cấm, buộc phụ nữ Afghanistan ngừng làm việc cho các cơ quan Liên hợp quốc ở nước này.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed cho biết, cả phụ nữ và nam giới Afghanistan đều cần thiết cho các công việc của Liên hợp quốc.
“Đây là vấn đề nội bộ của Afghanistan, không ảnh hưởng tới bất cứ ai và nên được các bên ủng hộ”, chính quyền Taliban nói về lệnh cấm.
600 nhân viên nữ người Afghanistan làm việc cho Liên hợp quốc đã ở nhà kể từ ngày 12/4.
Phụ nữ và trẻ em ở Afghanistan chịu hậu quả trực tiếp từ sự nghèo đói (ảnh: Guardian)
Theo Guardian, 2/3 dân số Afghanistan (quốc gia có khoảng 28 triệu người) sẽ bị ảnh hưởng nếu Liên hợp quốc rời đi và có thể mang theo cả nguồn viện trợ. Mỹ và các thành viên thuộc nhóm G7 đã đe dọa sẽ cắt viện trợ nhân đạo tới Afghanistan.
Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) hồi tháng 2 cho biết, ở Afghanistan, phụ nữ và trẻ em gái thường nhận được phần lương thực viện trợ nhỏ nhất trong gia đình. Họ cũng là đối tượng dễ bị suy dinh dưỡng và mắc bệnh hơn.
ICG cũng bày tỏ lo ngại khi Liên hợp quốc cảnh báo rời khỏi Afghanistan.
“Nếu Liên hợp quốc rời đi, các tổ chức quốc tế sẽ gặp khó khăn khi làm việc hoặc muốn quay lại Afghanistan trong tương lai”, ICG đánh giá.
Nguồn: [Link nguồn]
Taliban tung ảnh hàng trăm phương tiện quân sự bị Mỹ bỏ lại sau cuộc rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 8/2021.