Liên Hợp Quốc cảnh báo về nguy cơ nạn đói tại Myanmar
Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực và cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng trầm trọng có thể đặt ra nguy cơ nạn đói với hàng triệu người Myanmar.
Hãng tin Reuters đưa tin Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 22-4 cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng mạnh ở Myanmar, cũng như cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng trầm trọng sau cuộc chính biến có thể đặt ra nguy cơ nạn đói đối với hàng triệu người dân nước này trong những tháng tới.
Một phân tích của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho thấy sẽ có thêm 3,4 triệu người Myanmar gặp khó khăn trong việc chi trả cho lương thực, thực phẩm trong vòng ba đến sáu tháng tới. Điều này đặc biệt nghiêm trọng tại những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng thất nghiệp trong các ngành sản xuất, xây dựng và dịch vụ, cũng như giá lương thực tăng.
Liên Hợp Quốc cảnh báo về nguy cơ nạn đói tại Myanmar. Ảnh: REUTERS
Ông Stephen Anderson - giám đốc WFP Myanmar - cho biết: “Ngày càng có nhiều người nghèo bị mất việc làm và không đủ tiền mua thực phẩm”.
"Cần phải có một phản ứng phối hợp ngay bây giờ nhằm giảm bớt những đau khổ này và ngăn chặn sự suy giảm đáng báo động về an ninh lương thực".
WFP cho biết giá gạo và dầu ăn trên thị trường đã tăng lần lượt 5% và 18% kể từ cuối tháng 2, có thể thấy qua các dấu hiệu như các gia đình tại TP. Yangon bỏ bữa, ăn thức ăn ít dinh dưỡng hơn và lâm vào cảnh nợ nần.
Theo Reuters, WFP có kế hoạch thúc đẩy hoạt động hỗ trợ, tăng gấp ba lần số người sẽ được hỗ trợ lên tới 3,3 triệu người và đang kêu gọi khoản đóng góp 106 triệu USD.
Phía quân đội Myanmar hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ sau cuộc chính biến hồi tháng 2, khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân cử khác.
Các cuộc biểu tình phản đối chính biến diễn ra gần như hàng ngày và chính quyền quân sự đã sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết hơn 700 người kể từ cuộc chính biến và khoảng 3.300 người hiện đang bị giam giữ.
Khủng hoảng đã khiến hệ thống ngân hàng tại Myanmar lâm vào cảnh bế tắc, nhiều chi nhánh phải đóng cửa, khiến các doanh nghiệp không thể thanh toán và khách hàng không thể rút tiền mặt.
Nhiều người dân Myanmar phải phụ thuộc vào tiền gửi về từ người thân ở nước ngoài. Hầu hết hoạt động xuất nhập khẩu đã bị tạm dừng và các nhà máy bị đóng cửa.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Myanmar sẽ giảm 10% vào năm 2021, một sự đảo ngược so với các xu hướng tích cực trước đó.
Trước cuộc chính biến, WFP cho biết khoảng 2,8 triệu người ở Myanmar được cho là không tiếp cận với nguồn lương thực được đảm bảo.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này, vốn đang phát triển sau nhiều thập niên bị cô lập và đặt dưới sự quản lý tài chính yếu kém dưới các chính quyền quân sự cũ.
Nguồn: [Link nguồn]
Thống tướng Min Aung Hlaing là Chủ tịch của Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar - chính quyền được quân đội nước...