Lịch sử hàng chục năm đối đầu dai dẳng giữa Israel và Palestine
Người Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây cho rằng họ đang phải chịu đau khổ do các hành động của Israel, như phong tỏa Dải Gaza, xây dựng hàng rào Bờ Tây và phá hủy nhà cửa của người Palestine. Trong khi đó, Israel cho rằng họ chỉ hành động để tự vệ.
Bối cảnh lịch sử
Sau khi Đế chế Ottoman bị đánh bại trong Thế chiến thứ nhất, Anh đã giành quyền kiểm soát Palestine, nơi sinh sống của cộng đồng đa số là người Ả Rập và thiểu số là người Do Thái.
Cộng đồng quốc tế giao nhiệm vụ cho Anh gây dựng thành trì của người Do Thái ở Palestine, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nhóm.
Trong những năm 1920 và 1940, số lượng người Do Thái nhập cư đến Palestine tăng lên đáng kể khi nhiều người Do Thái chạy trốn sự đàn áp ở châu Âu và tìm kiếm nơi ở mới sau nạn diệt chủng Holocaust.
Xích mích giữa người Do Thái và người Ả Rập cũng như sự phản kháng đối với quyền cai trị của Anh ngày càng gia tăng. Năm 1947, Liên Hợp Quốc bỏ phiếu chia Palestine thành các quốc gia Do Thái và Ả Rập riêng biệt, với Jerusalem nằm dưới sự quản lý quốc tế. Giới lãnh đạo Do Thái chấp nhận kế hoạch này, nhưng phía Ả Rập bác bỏ và tuyên bố sẽ không bao giờ thực hiện.
Năm 1948, không thể chấm dứt xung đột, chính quyền Anh rút lui và các nhà lãnh đạo Do Thái tuyên bố thành lập Israel. Nhiều người Palestine phản đối và một cuộc chiến xảy ra sau đó. Các nước Ả Rập láng giềng đã can thiệp bằng lực lượng quân sự. Hàng trăm ngàn người Palestine đã chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi nhà của họ trong cái mà họ gọi là Al Nakba, hay "Thảm họa".
Một tuyến phố ở Dải Gaza tan hoang sáng 8/10 sau các cuộc không kích trả đũa của Israel. Ảnh: Reuters
Xung đột liên miên
Trong những năm qua, Israel và Palestine đã xảy ra nhiều cuộc xung đột. Một số cuộc xung đột nhỏ, một số có quy mô thảm khốc dẫn đến cái chết của hàng nghìn người.
Năm 1987, Hamas (viết tắt của Harakat al-Muqawama al-Islamiya, hay Phong trào kháng chiến Hồi giáo) được giáo sĩ Palestine - Sheikh Ahmed Yassin thành lập ngay khi bắt đầu cuộc nổi dậy lần thứ nhất.
Hai năm sau, Hamas thực hiện những cuộc tấn công đầu tiên vào các mục tiêu quân sự của Israel, bao gồm cả vụ bắt cóc và sát hại hai binh sĩ Israel.
Năm 1993, sau nhiều năm bạo lực, Hiệp định Oslo đầu tiên nhằm thiết lập hòa bình giữa Israel và Palestine đã được ký kết. Hamas phản đối tiến trình hòa bình và tìm cách làm nó chệch hướng bằng các vụ đánh bom xe buýt, tấn công bằng súng ở Israel.
Năm 2000, Israel và Palestine không đạt được thỏa thuận cuối cùng trong tiến trình hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh ở Mỹ vào tháng 7. Hai tháng sau, người Palestine phản đối chuyến thăm của lãnh đạo phe đối lập Israel Ariel Sharon tới khu nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở phía Đông Jerusalem, châm ngòi cho cuộc nổi dậy thứ hai.
Trong năm 2001 - 2002, Hamas thực hiện một loạt vụ đánh bom liều chết ở Israel. Chỉ huy quân sự của Hamas Salah Shehadeh sau đó thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel.
Tháng 3 đến tháng 4/2004, các cuộc không kích của Israel đã loại bỏ người đồng sáng lập kiêm thủ lĩnh tinh thần của Hamas - Sheikh Ahmed Yassin và lãnh đạo chính trị Abdel Aziz al-Rantissi ở Dải Gaza trong vòng một tháng. Ban lãnh đạo Hamas lẩn trốn và danh tính người kế nhiệm Rantissi được giữ bí mật.
Ngày 15/8/2005, lực lượng Israel bắt đầu đơn phương rút quân khỏi Dải Gaza, để khu vực này nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Palestine.
Ngày 25/1/2006, Hamas giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine. Israel và Mỹ cắt viện trợ cho người Palestine vì Hamas không chịu từ bỏ bạo lực và công nhận Israel.
Ngày 14/6/2007, Hamas tiếp quản Dải Gaza trong một cuộc nội chiến ngắn ngủi, lật đổ lực lượng Fatah trung thành với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Vị trí Dải Gaza và khu Bờ Tây. Đồ họa: BBC
Ngày 27/12/2008, Israel phát động cuộc tấn công quân sự kéo dài 22 ngày ở Dải Gaza sau khi người Palestine bắn tên lửa vào thị trấn Sderot phía nam Israel. Khoảng 1.400 người Palestine và 13 người Israel được cho là đã thiệt mạng trước khi lệnh ngừng bắn được kí kết.
Ngày 14/11/2012, Israel loại bỏ tham mưu trưởng quân đội của Hamas - Ahmad Jabari, kéo theo các cuộc tấn công qua lại kéo dài 8 ngày giữa lực lượng Israel và nhóm phiến quân Palestine.
Tháng 7 đến tháng 8/2014, vụ Hamas bắt cóc và sát hại ba thiếu niên Israel dẫn đến một cuộc chiến kéo dài 7 tuần, trong đó hơn 2.100 người Palestine được cho là đã thiệt mạng ở Dải Gaza và 73 người Israel được cho là đã thiệt mạng.
Tháng 3/2018, các cuộc biểu tình của người Palestine bắt đầu tại biên giới Dải Gaza. Quân đội Israel đã nổ súng để giữ chân người biểu tình. Hơn 170 người Palestine được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng.
Ngày 7/5/2021, cảnh sát Israel đụng độ với những người biểu tình Palestine gần Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa về một vụ kiện pháp lý trong đó 8 gia đình Palestine phải đối mặt với việc mất nhà ở Đông Jerusalem cho những người định cư Do Thái.
Xung đột một lần nữa bùng phát giữa Israel và Hamas. 12 người được cho là đã thiệt mạng ở Israel. Trong khi các quan chức y tế ở Dải Gaza cho biết 232 người Palestine đã thiệt mạng và 1.900 người bị thương.
Đến ngày 20/5, Hamas và nội các Israel đưa ra tuyên bố nói rằng một thỏa thuận ngừng bắn đã được kí kết.
Dải Gaza bị tấn công hồi tháng 5/2021. Ảnh: Reuters
Mới đây nhất, sáng sớm 7/10, nhóm Hamas tiến hành các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Israel từ Dải Gaza. Tín hiệu báo động đã vang lên liên tục tại nhiều vùng trên cả nước, trong đó có Tel Aviv và các khu vực lân cận. Ngay sau đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đang phát động chiến dịch Thanh gươm sắt để trả đũa cuộc tấn công của Hamas.
Hơn 300 người đã thiệt mạng và 1.500 người bị thương ở Israel. Trong khi đó ở Dải Gaza, hơn 250 người đã thiệt mạng và 1.700 người bị thương.
Rocket được phóng từ Dải Gaza nhằm vào Israel hôm 7/10. Ảnh: Reuters
Bất đồng dai dẳng
Trước khi giao tranh bùng phát, có gần 2 triệu người sống ở khu vực Dải Gaza rộng 140 dặm vuông. Được cai trị bởi Hamas, vùng lãnh thổ đông đúc này gần như cắt đứt khỏi phần còn lại của thế giới vì bị Israel phong toả trên đất liền, trên không và trên biển kể từ năm 2007. Ai Cập kiểm soát cửa khẩu biên giới phía nam của Gaza, Rafah.
Israel và Ai Cập duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ biên giới Dải Gaza trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn Hamas thu thập vũ khí. Điều này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza. Nhiều người phải vật lộn để tiếp cận những nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và nước uống.
Người Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây cho rằng họ đang phải chịu đau khổ do các hành động của Israel, như phong tỏa Dải Gaza, xây dựng hàng rào Bờ Tây và phá hủy nhà cửa của người Palestine.
Trong khi đó, Israel cho rằng họ chỉ hành động để tự vệ trước hành động bạo lực của người Palestine, viện dẫn việc Hamas đã bắn hàng nghìn quả tên lửa vào lãnh thổ Israel và các chiến binh Palestine đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào dân thường Israel.
Nguồn: [Link nguồn]
Một cựu giám đốc tình báo Mossad nói Israel “không hề biết âm mưu của Hamas và hoàn toàn bất ngờ khi xung đột nổ ra vào sáng ngày 7/10 với quy mô chưa từng có”.