Lịch sử đầy biến cố của các tổng thống Hàn Quốc
Hàn Quốc, được biết đến với sự phát triển kinh tế vượt bậc và một nền dân chủ hiện đại, lại có một lịch sử lãnh đạo đầy biến động. Từ các cuộc đảo chính, những cáo buộc tham nhũng, đến các vụ ám sát và biểu tình, các đời tổng thống tại quốc gia này thường phải đối mặt với những biến cố đầy kịch tính.
Binh sĩ Hàn Quốc được huy động sau khi ông Yoon ban bố lệnh thiết quân luật kéo dài trong khoảng 6 giờ. Ảnh: Yonhap.
Hôm 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã gây chấn động khi ban bố thiết quân luật, viện dẫn các mối đe dọa mà ông cáo buộc là từ "các lực lượng chống nhà nước ủng hộ Triều Tiên". Lệnh thiết quân luật của ông Yoon chỉ có hiệu lực trong khoảng sáu giờ do bị Quốc hội bác bỏ. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc rơi vào tình trạng thiết quân luật kể từ năm 1980 và là lần đầu tiên kể từ khi chuyển sang nền dân chủ vào năm 1987. Ông Yoon hiện đang đối mặt khả năng bị Quốc hội luận tội, sự nghiệp chính trị lành ít dữ nhiều.
Hàn Quốc kể từ khi thành lập năm 1948 đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm với các đời tổng thống. Dù được mệnh danh là một quốc gia dân chủ tiên tiến, chính trị Hàn Quốc thường xuyên chứng kiến các cuộc khủng hoảng lớn, từ các cuộc đảo chính quân sự, tranh cãi pháp lý, đến việc các nhà lãnh đạo bị lật đổ hoặc kết thúc sự nghiệp trong tù.
Giai đoạn trước dân chủ
Syngman Rhee (1948–1960): Nhà lãnh đạo đầu tiên và sự sụp đổ
Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, Syngman Rhee, lãnh đạo với bàn tay cứng rắn. Ông bị cáo buộc gian lận bầu cử và đàn áp các cuộc biểu tình. Những cuộc biểu tình quy mô lớn đã buộc ông phải từ chức vào năm 1960.
Yun Bo-seon (1960–1962): Hi vọng ngắn ngủi
Sau khi Rhee từ chức, Tổng thống Yun Bo-seon lên nắm quyền trong bối cảnh phong trào dân chủ mạnh mẽ. Tuy nhiên, thời kỳ của ông kết thúc chỉ sau hai năm, khi Tướng Park Chung-hee thực hiện cuộc đảo chính quân sự vào năm 1961.
Park Chung-hee (1961–1979): Tăng trưởng kinh tế và chế độ hà khắc
Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee (1961–1979).
Park Chung-hee là người đã đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế vượt bậc của Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông cai trị như một nhà độc tài, bị chỉ trích nặng nề vì vi phạm nhân quyền và quá hà khắc. Ông bị ám sát vào năm 1979, kết thúc gần hai thập kỷ cầm quyền.
Choi Kyu-hah (1979–1980) và Chun Doo-hwan (1980–1988): Một giai đoạn hỗn loạn
Sau cái chết của Park Chung-hee, Tổng thống Choi Kyu-hah lên nắm quyền nhưng không thể duy trì sự ổn định chính trị. Cuộc đảo chính của tướng quân đội Chun Doo-hwan vào năm 1980 dẫn đến cuộc thảm sát Gwangju - một sự kiện đẫm máu với hàng trăm người thiệt mạng. Năm 1996, Chun Doo-hwan bị kết án tù chung thân vì tội phản quốc song sau đó được Tổng thống Kim Young-sam ân xá với danh nghĩa đoàn kết dân tộc. Chun qua đời tại nhà riêng ở Seoul vào ngày 23/11/2021.
Chuyển đổi sang nền dân chủ
Hàn Quốc chính thức chuyển mình sang nền dân chủ vào cuối thập niên 1980, nhưng các tổng thống tiếp theo vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Roh Tae-woo (1988–1993): Tổng thống đầu tiên của nền dân chủ
Roh là Tổng thống Hàn quốc đầu tiên được dân bầu trực tiếp, nhưng bị buộc tội tham nhũng và sai phạm liên quan đến tài chính. Ông bị kết án 17 năm tù giam vào năm 1996 nhưng sau đó được ân xá.
Roh Moo-hyun (2003–2008): Tổng thống của những hy vọng và bi kịch
Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan (giữa) nắm quyền thông qua đảo chính quân sự.
Roh Moo-hyun lên nắm quyền năm 2003 sau chiến thắng trong một chiến dịch tranh cử mang đậm màu sắc dân túy, với lời hứa xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ hơn. Năm 2004, ông bị Quốc hội luận tội vì các cáo buộc vi phạm luật bầu cử, nhưng sau đó được Tòa án Hiến pháp phục chức. Tuy nhiên, vụ việc đã khiến chính quyền của ông chịu áp lực lớn, và nhiệm kỳ của Roh bị lu mờ bởi những khó khăn kinh tế, đặc biệt là vấn đề lao động và bất ổn xã hội.
Sau khi rời nhiệm sở, Roh đối mặt với cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc nhận hối lộ. Tháng 5/2009, trong lúc các cuộc điều tra tiếp diễn, ông tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy xuống vực từ một vách đá gần nhà ở vùng quê Bongha. Cái chết của ông gây chấn động Hàn Quốc, để lại nỗi tiếc thương sâu sắc và làm dấy lên những cuộc thảo luận về áp lực chính trị mà các lãnh đạo phải đối mặt.
Thách thức trong kỷ nguyên hiện đại
Trong giai đoạn này, Hàn Quốc tiếp tục đối mặt với nhiều khủng hoảng chính trị, đặc biệt là các vụ bê bối tham nhũng.
Lee Myung-bak (2008–2013): Nhà kỹ trị vướng vòng lao lý
Lee Myung-bak, từng là CEO của Hyundai Engineering & Construction, đã thắng cử tổng thống nhờ lời hứa thúc đẩy phát triển kinh tế với tư cách một nhà kỹ trị. Trong nhiệm kỳ của ông, Lee tập trung vào cải cách kinh tế, tăng trưởng công nghiệp và đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền của ông bị chỉ trích vì các chính sách không thân thiện với môi trường, đàn áp người biểu tình và thiên vị giới doanh nghiệp lớn.
Sau khi rời nhiệm sở, Lee bị điều tra về các cáo buộc tham nhũng, bao gồm việc nhận hối lộ và biển thủ công quỹ. Năm 2018, ông bị kết án 15 năm tù giam, nhưng đến năm 2022, ông được ân xá vì lý do sức khỏe.
Park Geun-hye (2013–2017): Nữ Tổng thống đầu tiên và vụ bê bối lịch sử
Bà Park Geun-hye là Tổng thống Hàn Quốc giai đoạn 2013–2017.
Park Geun-hye, nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, bị luận tội vào năm 2016 vì vụ bê bối tham nhũng liên quan đến bạn thân Choi Soon-sil. Bà bị cách chức năm 2017 và sau đó bị kết án 25 năm tù giam do tham nhũng và lạm dụng quyền lực
Yoon Suk Yeol (2022–nay): Lệnh thiết quân luật gây tranh cãi
Ngày 3/12/2024, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật với lý do chống lại các “lực lượng phản quốc thân Triều Tiên”. Quyết định này tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ. Sau vài giờ, ông buộc phải rút lại quyết định dưới áp lực từ người dân và Quốc hội.
Ông Yoon hiện đang đối mặt nguy cơ bị Quốc hội luận tội và có thể bị Tòa án Hiến pháp tuyên án tù.
Tối ngày 3/12, Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật, khiến dư luận Hàn Quốc chấn động. Chỉ 6 giờ sau, ông đã phải rút lại...
Nguồn: [Link nguồn]