Lí do dùng biện pháp quân sự là vô nghĩa với Triều Tiên

Chuyên gia Mỹ “khuyên” nước này nên học cách sống chung với Triều Tiên như từng làm với Liên Xô hồi Chiến tranh Lạnh.

Lí do dùng biện pháp quân sự là vô nghĩa với Triều Tiên - 1

Mỹ bắn thử tên lửa THAAD tại Alaska cách đây ít ngày.

Trong phiên họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cách đây ít ngày, đại sứ Mỹ Nikki Haley tuyên bố nước này không từ bỏ bất kì phương án nào trong việc giải quyết xung đột ở Triều Tiên. Bà Haley ngụ ý rằng, sử dụng quân sự và vũ lực vẫn là một lựa chọn được Washington cân nhắc, nếu tình hình không thể giải quyết.

Tuy nhiên, tác giả Thomas Lee trên trang web của đài CNN nhận định, sử dụng vũ lực quân sự là điều vô nghĩa với Bình Nhưỡng. Trước tiên, ông nói Mỹ có một số hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đang hoạt động, tuy nhiên nó không chứng minh được hiệu quả trước các tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên.

Với hệ thống THAAD được mệnh danh là “bách phát bách trúng” hiện nay, nó chỉ có khả năng đánh chặn tên lửa trong phạm vi “khu vực”. Điều này theo Lee là không hợp lý trong bối cảnh Triều Tiên đã có tên lửa đạn đạo liên lục địa, vận tốc tấn công gấp 20 lần tốc độ âm thanh.

Lí do dùng biện pháp quân sự là vô nghĩa với Triều Tiên - 2

Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên duyệt binh ở quảng trường Kim Nhật Thành.

Một số tàu khu trục Mỹ sở hữu hệ thống phòng thủ tiên tiến Aegis nhưng hệ thống trên biển này cũng đối mặt nhiều hạn chế như THAAD. Hệ thống Aegis rất khó bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm xa vì đầu đạn lao xuống từ khí quyển với tốc độ quá lớn. Các vụ bắn thử cũng không chứng minh được sự hiệu quả của hệ thống. Chưa kể, lính Mỹ biết trước thời điểm bắn thử nên việc đánh chặn cũng dễ hơn rất nhiều.

Lee nêu rằng Triều Tiên thường xuyên thử tên lửa bất thường, và giả định nếu tấn công phủ đầu Mỹ thì kịch bản này cũng lặp lại. Hôm 3.7, khi cả nước Mỹ đang chìm sâu vào giấc ngủ và chuẩn bị đón ngày quốc khánh vào sáng hôm sau thì Bình Nhưỡng bất ngờ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Trước đó năm 1969, Triều Tiên từng bất ngờ bắn hạ một máy bay do thám của Mỹ đúng ngày sinh nhật lần thứ 57 của nhà lập quốc Kim Nhật Thành. Vụ việc khiến 30 lính Mỹ thiệt mạng.

Thứ hai, Lee chỉ ra rằng, việc bắn hạ tên lửa chỉ dễ dàng khi nó vừa bay khỏi bệ phóng hoặc chưa được phóng. Hiện nay, Triều Tiên có rất nhiều bệ phóng di động, có thể di chuyển mọi nơi và khiến việc bắn chúng là cực kì khó khăn. Trước đó 23 năm, nếu Mỹ định tấn công các cơ sở nghiên cứu và sản xuất tên lửa của Triều Tiên thì rất dễ dàng vì Bình Nhưỡng chưa có xe phóng.

Chuyên gia Lee nhận định, hiện tại Triều Tiên chưa sở hữu đầu đạn hạt nhân thu nhỏ và nhiều nghi ngờ cũng xuất hiện quanh quả tên lửa đạn đạo liên lục địa mới thử của Triều Tiên. Tuy nhiên, dù hoài nghi thế nào thì trong 10 năm tới, chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân có thể bắn tới nước Mỹ.

Nếu Mỹ không thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên, tấn công quân sự phủ đầu hoặc buộc Trung Quốc giúp sức, vậy Washington có thể làm gì?

Lí do dùng biện pháp quân sự là vô nghĩa với Triều Tiên - 3

Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 4.7.

Trong bối cảnh Mỹ sử dụng biện pháp quân sự, nước này chắc chắn sẽ giành chiến thắng do ưu thế hỏa lực cực mạnh. Tuy nhiên, cần nhớ rằng Triều Tiên sẽ trả đũa bằng cách phóng tên lửa và nã pháo sang thủ đô Seoul, giết chết hàng triệu người và 2 vạn lính Mỹ đồn trú tại đây.

Cách đây hơn 20 năm, Triều Tiên khó đáp trả một cuộc tấn công từ Mỹ do phương tiện kĩ thuật hạn chế. Giờ đây, Bình Nhưỡng đủ tự tin để làm điều này, nhất là khi số lượng xe phóng, trọng pháo và tên lửa đã tăng lên gấp bội. Theo tính toán, Triều Tiên có 15 vạn khẩu pháo, đủ sức nã 4 triệu viên đạn trong 30 phút vào thủ đô Seoul.

Chuyên gia Lee kết luận, thay vì liều mình đánh đổi mạng sống của triệu dân thường, Mỹ tốt hơn hết nên học cách chung sống với Triều Tiên, như cách mà nước này từng làm thời Chiến tranh Lạnh với Nga.

Phu nhân ông Kim Jong-un xuất hiện sau vụ thử tên lửa

Sau 4 tháng vắng bóng trước công chúng, bà Ri bất ngờ xuất hiện tại một đại nhạc hội cùng chồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN