Lí do chương trình tên lửa của Triều Tiên “nhảy vọt”
Sự phát triển mạnh mẽ của chương trình tên lửa Triều Tiên đang ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Triều Tiên bắt đầu công bố các cuộc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào năm 2017 và gần đây nhất là tên lửa “tối thượng” Hwasong-19.
Triều Tiên công bố hình ảnh vụ phóng tên lửa "tối thượng" Hwasong-19. Ảnh: KCNA.
Lí do Triều Tiên phát triển tên lửa
Kể từ khi lập quốc vào năm 1948, Triều Tiên đã xác định cần một kho vũ khí mạnh mẽ để bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài. Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc mà không có hiệp ước hòa bình chính thức nào được ký kết. Tình trạng này khiến Bình Nhưỡng luôn cảm thấy bị đe dọa từ các nước đối thủ, đặc biệt là Mỹ - quốc gia có quan hệ quân sự chặt chẽ với Hàn Quốc.
“Triều Tiên coi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc là mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia”, một nhà phân tích nhận định trên đài Al Jazeera (Qatar).
Triều Tiên coi việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa là phương tiện để ngăn chặn sự can thiệp từ Mỹ và đồng minh.
Triều Tiên đã thực hiện các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo từ năm 1984, bao gồm nhiều loại tên lửa khác nhau, từ tên lửa tầm ngắn đến tầm trung.
Các tên lửa của Triều Tiên ở giai đoạn này gồm tên lửa đạn đạo Scud, dựa trên công nghệ của Liên Xô. Triều Tiên cũng đưa các tên lửa đạn đạo No-Dong do nước này sản xuất vào biên chế từ những năm 1990, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển hạt nhân và tên lửa tầm xa với mục đích bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.
Phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa
Triều Tiên đạt bước tiến mới trong việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Ảnh: KCNA.
Trong nỗ lực đối phó Mỹ, Triều Tiên đã chuyển hướng tập trung sang phát triển tên lửa liên lục địa (ICBM) nhằm hướng đến tấn công các mục tiêu ở rất xa, đặc biệt là các mục tiêu trong lãnh thổ Mỹ.
Năm 2017, Triều Tiên phóng thành công tên lửa Hwasong-14 và Hwasong-15. Hai loại ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng này có khả năng vươn tới các thành phố lớn ở Mỹ.
Theo phân tích từ các chuyên gia quốc phòng Mỹ, đầu đạn của tên lửa Hwasong-14 có thiết kế hai tầng đặc biệt, có vẻ giống với công nghệ của Pakistan - quốc gia được Trung Quốc giúp đỡ về nhiều mặt, đặc biệt là quân sự.
Chuyên gia Rick Fisher đến từ trung tâm CSIS, nhận định trên tạp chí Forbes: “Thiết kế đầu đạn của ICBM Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng với đầu đạn của Pakistan và rất có khả năng công nghệ đầu đạn này có nguồn gốc từ Trung Quốc”.
Theo Forbes, Trung Quốc cũng được cho là hỗ trợ Triều Tiên trong việc cung cấp các xe chuyên dụng để phóng ICBM. Tuy nhiên, vào năm 2012, chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ thông tin về việc cung cấp xe chở tên lửa cho Bình Nhưỡng, khẳng định họ tuân thủ các lệnh cấm vận quốc tế.
Nhà phân tích Michael Listner đến từ công ty Space Law & Policy Solutions, nhận định: “Trong các cuộc thử nghiệm ban đầu, Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong gần biên giới Trung Quốc. Điều này không chỉ thuận tiện cho việc vận chuyển trang thiết bị mà còn tạo điều kiện cho sự giám sát và hỗ trợ từ Trung Quốc”.
Năm 2023, Triều Tiên 4 lần thử nghiệm một loại ICBM mới được gọi là Hwasong-18. Tên lửa được Triều Tiên thử nghiệm vào tháng 2, tháng 4, tháng 7 và tháng 12/2023, theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ. Hwasong-18 cũng là mẫu ICBM đầu tiên được Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn.
Theo Reuters, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn giúp vận hành và bảo quản một cách dễ dàng hơn. Tên lửa cũng có thể được phóng ngay lập tức mà không cần chờ nạp nhiêu liệu như khi sử dụng nhiên liệu lỏng.
Khoảnh khắc ICBM Triều Tiên rời bệ phóng hôm 31/10. Ảnh: Yonhap/KCNA.
Hiện chưa rõ Triều Tiên phát triển ICBM sử dụng nhiên liệu rắn như thế nào. Nhiên liệu rắn có nguồn gốc từ pháo hoa do Trung Quốc phát triển cách đây nhiều thế kỷ. Kể từ giữa thế kỷ 20, công nghệ vũ khí phát triển mạnh đánh dấu việc các cường quốc bắt đầu quan tâm tới việc sử dụng nhiên liệu rắn.
Liên Xô đã triển khai ICBM sử dụng nhiên liệu rắn đầu tiên vào đầu những năm 1970 và sau đó là Pháp. Tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III là ICBM duy nhất của Mỹ sử dụng nhiên liệu rắn. Mỹ biên chế tên lửa Minuteman III từ những năm 1970.
Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm ICBM sử dụng nhiên liệu rắn vào cuối những năm 1990. Hàn Quốc cũng cho biết đã thành công trong việc tích hợp nhiên liệu rắn vào các tên lửa đạn đạo của nước này.
Theo nhận định của tổ chức 38 North chuyên theo dõi tình hình ở Triều Tiên, Bình Nhưỡng phần lớn có thể đã tự phát triển dòng tên lửa Hwasong, nhưng quá trình này có lẽ cũng được hỗ trợ đáng kể từ những hoạt động mua bán bí mật kể từ khi Liên Xô tan rã, thông qua việc tiếp cận công nghệ tên lửa đạn đạo và kiến thức chuyên môn từ các công ty, viện nghiên cứu và cá nhân ở Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Dòng tên lửa Hwasong cũng nhiều khả năng được hưởng lợi từ quá trình Triều Tiên mua sắm các thiết bị, linh kiện và vật liệu lưỡng dụng từ các công ty và cá nhân tại Trung Quốc và (đặc biệt là) Nga – thông qua các giao dịch trực tiếp và qua trung gian, 38 North nhận định.
Tuy nhiên, các thông tin trên khó được kiểm chứng, và cả Nga lẫn Trung Quốc đều không có những phát biểu chính thức về vấn đề này.
Bước nhảy vọt trong chương trình ICBM của Triều Tiên
Gần đây, Triều Tiên được cho là có được những bước tiến vượt bậc trong công nghệ ICBM. Triều Tiên hôm 1/11 tuyên bố mẫu ICBM mà nước này mới phóng thử nghiệm được gọi là Hwasong-19. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA mô tả Hwasong-19 là “tên lửa chiến lược mạnh nhất thế giới”.
Tên lửa bay cao hơn 7.000km – cao nhất trong số các tên lửa đạn đạo Triều Tiên từng phóng và toàn bộ quá trình bay mất khoảng 82 phút - lâu nhất từ trước đến nay.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát vụ phóng tên lửa Hwasong-19 hôm 31/10. Ảnh: Yonhap/KCNA.
Lee Choon Geun, chuyên gia tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, nhận định: “Nga có thể đã cung cấp các thành phần thiết yếu giúp động cơ tên lửa của Triều tiên tạo ra lực đẩy mạnh hơn, cho phép mang theo đầu đạn lớn hơn và đạt độ chính xác cao hơn khi tấn công mục tiêu”. Nga được xem là quốc gia sở hữu công nghệ động cơ tên lửa hàng đầu thế giới hiện nay.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 6/2024 đã đánh dấu mối quan hệ hợp tác gần gũi hơn giữa hai nước. Hôm 24/10, Duma quốc gia (tức Hạ viện) Nga phê chuẩn Hiệp ước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Triều Tiên.
Ito Toshiyuki, giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Kanazawa ở Nhật Bản, nói Nga có thể đã cung cấp công nghệ để nâng cấp lực đẩy cho ICBM Triều Tiên ở giai đoạn hai và giai đoạn ba, giúp tên lửa bay cao hơn và xa hơn. “Triều Tiên có thể đã sử dụng công nghệ của Nga để cải tiến các giai đoạn tách tầng của tên lửa, từ đó gia tăng độ bền và độ chính xác khi tên lửa quay trở lại bầu khí quyển”, ông Ito nói.
Cận cảnh tên lửa đạn đạo Hwasong-19 được Triều Tiên phóng hôm 31/10. Ảnh: KCNA.
Hôm 31/10, khi được hỏi liệu Nga có giúp Triều Tiên về công nghệ tên lửa hay công nghệ quân sự khác hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Tôi không có thông tin về vấn đề này. Nếu cần thông tin mang tính chuyên môn, hãy đặt câu hỏi với Bộ Quốc phòng”.
Ông Peskov nhắc lại tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Triều Tiên, bao gồm điều khoản phòng thủ chung. “Nga cam kết phát triển quan hệ với Triều Tiên trên mọi lĩnh vực. Mối quan hệ này không nên khiến bất kỳ quốc gia nào lo lắng hay bận tâm”, ông Peskov nói, theo Reuters.
Nguồn: [Link nguồn]
Bình Nhưỡng tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-19, lập kỷ lục về độ cao lớn nhất và thời gian bay dài nhất mà một...