"Lấy đập trị đập": Mặt trận mới nhất trong cuộc đối đầu Ấn – Trung
Căng thẳng biên giới Trung - Ấn đã kéo dài suốt hơn 7 tháng mà chưa đi đến hồi kết. Trong khi quân đội hai nước vẫn đang đề phòng lẫn nhau trong giá rét ở biên giới, giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại xảy ra tranh chấp ở một mặt trận mới: Nguồn nước.
Một con đập Trung Quốc xây trên sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra (ảnh: SCMP)
Tháng trước, Trung Quốc công bố dự án thủy điện được cho là lớn nhất nước này, lớn hơn cả đập Tam Hiệp trên sông Yarlung Zangbo (Ấn Độ gọi là sông Brahmaputra).
Dự kiến, công trình thủy điện khổng lồ sẽ đem lại sản lượng điện nhiều gấp 3 lần đập Tam Hiệp – đập lớn nhất hành tinh.
Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc tuyên bố, dự án thủy điện ở biên giới Ấn Độ là “chưa từng có trong lịch sử”.
Ấn Độ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các tác động mà dự án thủy điện trên sông Yarlung Zangbo/Brahmaputra có thể gây ra. Theo các chuyên gia, dự án thủy điện của Trung Quốc có thể khiến Ấn Độ thiếu nước vào mùa khô nhưng lại gây lũ quét vào mùa mưa.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng lo lắng về nguy cơ Trung Quốc “vũ khí hóa” nguồn nước thượng lưu.
Người dân Ấn Độ làm lễ trên sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra (ảnh: SCMP)
Chỉ vài ngày sau thông báo về dự án siêu đập của Trung Quốc, Ấn Độ tuyên bố nước này đang cân nhắc xây một con đập lớn không kém để “giảm tác động tiêu cực”. Dự án của Ấn Độ nếu được phê duyệt chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc nổi giận vì nơi bắt đầu con sông là ở Tây Tạng, Trung Quốc.
“Đụng độ biên giới, Trung Quốc từ chối chia sẻ dữ liệu thủy văn của sông Brahmaputra, giấu thông tin về dự án thủy điện khiến quan hệ hai nước ngày càng trầm trọng”, B.R. Deepak – chuyên gia tại Đại học Jawaharlal Nehru – nhận xét.
“Khu vực sông Brahmaputra thường xảy ra lở tuyết, lở đất, rủi ro bởi hoạt động kiến tạo địa chất là rất cao. Nếu Trung Quốc xây đập rồi tai nạn vỡ đập xảy ra, hậu quả sẽ là cực kỳ kinh hoàng. Tuy nhiên, Trung Quốc lại chẳng hề hấn gì vì dân cư chịu ảnh hưởng sẽ là người Ấn Độ ở hạ lưu”, Sayanangshu Modak – chuyên gia tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát (Ấn Độ) – nói.
“Trung Quốc còn có thể gây ra thảm họa lũ lụt ở hạ nguồn bằng việc bất ngờ xả nước từ hồ chứa mà không cảnh báo trước. Trung Quốc nắm quyền kiểm soát thượng nguồn cũng khiến sản xuất lương thực của Ấn Độ bị ảnh hưởng. Các con sông lớn có lượng nước lên xuống theo mùa. Nhưng khi bạn xây một con đập lớn, nước sẽ thay đổi theo ngày chứ không còn thuận theo tự nhiên nữa”, ông Modak nói.
“Với những dự án thủy lợi quy mô lớn, các quốc gia cùng chia sẻ lợi ích trên một con sông phải bàn bạc và thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Ấn Độ không có bất kỳ thỏa thuận nào về sông Brahmaputra”, ông Modak nói thêm.
Ấn Độ lo dự án siêu đập của Trung Quốc có thể gây thảm họa (ảnh: India Today)
Chuyên gia Deepak cho rằng, Trung Quốc có thể sử dụng siêu đập sắp xây dựng như một “công cụ chiến tranh”.
Năm 2002, Trung Quốc và Ấn Độ đã ký thỏa thuận về việc chia sẻ dữ liệu thủy văn trên sông Yarlung Zangbo/Brahmaputra. Tuy nhiên, thỏa thuận này được tuân thủ tùy theo tình trạng quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong khi Ấn Độ bày tỏ lo ngại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Hoa Xuân Oánh – cho rằng, việc xây đập trên sông Yarlung Zangbo/Brahmaputra là “quyền hợp pháp của Trung Quốc”.
Về phía mình, Ấn Độ tỏ ra khá cương quyết trong việc quyết định xây đập lớn ngang ngửa trên sông Yarlung Zangbo/Brahmaputra, nếu Trung Quốc khởi công dự án siêu thủy điện.
Chúng tôi cần một con đập lớn trên sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ những con đập của Trung Quốc. Các cấp cao nhất của chính phủ đang cân nhắc và sẽ sớm đưa ra quyết định”, Mehra – quan chức cao cấp thuộc Bộ Tài nguyên nước Ấn Độ – nói.
Các quan chức cấp cao nhất của chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc xây dựng một đập thủy điện lớn ở bang hẻo lánh giáp...
Nguồn: [Link nguồn]