Lầu Năm Góc tìm cách "nối lại các chương trình tuyệt mật ở Ukraine"

Thông tin do tờ The Washington Post đăng tải ngày 10-2 cho thấy Lầu Năm Góc đang cố gắng nối lại các chương trình tuyệt mật ở Ukraine vốn bị đình trệ từ tháng 2 năm ngoái.

Theo The Washington Post, Bộ Quốc phòng Mỹ đang thuyết phục các nghị sĩ tài trợ cho 2 chương trình tuyệt mật ở Ukraine, vốn bị đình trệ sau khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" bên nước láng giềng hồi tháng 2 năm ngoái.

Tờ báo dẫn lời các quan chức hiện tại và cựu quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ đặc nhiệm Mỹ có thể "tuyển mộ các đặc vụ Ukraine để quan sát hoạt động quân sự của Nga và chống lại thông tin sai lệch”. Đây được xem là hình thức "chiến tranh bất thường" nhằm chống lại đối phương dù Washington không trực tiếp tham gia xung đột quân sự. 

Tuy nhiên, The Washington Post cho biết Quốc hội Mỹ khó có thể đưa ra quyết định về vấn đề này trước mùa thu năm 2023. Ngoài ra, vẫn chưa rõ liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có cho phép đặc nhiệm Mỹ hiện diện ở Ukraine hay không. Đã có lo ngại rằng các hoạt động như vậy có thể kéo Mỹ vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sâu hơn.

Thành viên lực lượng đặc nhiệm số 7 của Mỹ. Ảnh: AP

Thành viên lực lượng đặc nhiệm số 7 của Mỹ. Ảnh: AP

Đại diện của các ủy ban quân vụ Thượng viện và Hạ viện, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều không bình luận về thông tin do The Washington Post đăng tải.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev, Washington cam kết hỗ trợ Kiev bằng vũ khí, tiền bạc và các hình thức khác. Đáp lại, Nga cáo buộc cuộc xung đột "do Mỹ và các đồng minh thúc đẩy nhằm duy trì sự thống trị của phương Tây".

Trong một diễn biến khác, Nga dự kiến cắt giảm sản lượng dầu để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngày 10-2, đài RT dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga sẽ giảm sản lượng dầu xuống 500.000 thùng mỗi ngày trong tháng 3-2023 do Moscow ngừng bán dầu cho những người mua tuân thủ mức giá trần mà phương Tây áp đặt. 

"Nga tin rằng cơ chế trần giá đối với dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga là sự can thiệp vào thị trường và mở rộng các chính sách năng lượng phá hoại của phương Tây" - ông Novak nói. 

EU và các quốc gia G7 đã đưa ra mức trần giá đối với nguồn cung của Nga vào ngày 5-2, đặt giới hạn 100 USD/thùng đối với dầu diesel, nhiên liệu máy bay và xăng đến từ Nga và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu mỏ khác. 

Nga dự kiến cắt giảm sản lượng dầu để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: Sputnik

Nga dự kiến cắt giảm sản lượng dầu để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: Sputnik

Nguồn: [Link nguồn]

Lầu Năm Góc đánh giá thấp khả năng giành bán đảo Crimea của quân đội Ukraine

Kế hoạch giành lại bán đảo Crimea của Ukraine khó có thể thành công trong tương lai gần, các nghị sĩ thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ được thông báo trong một cuộc họp mật...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Nghĩa ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN