Lầu Năm Góc lên tiếng việc Nga điều chỉnh học thuyết hạt nhân
Phía Lầu Năm Góc cho biết các quan chức Mỹ không ngạc nhiên khi hay tin Nga cập nhật học thuyết hạt nhân.
Ngày 19-11, phía Lầu Năm Góc cho biết các quan chức Mỹ không ngạc nhiên khi biết Moscow cập nhật học thuyết hạt nhân sau thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp tấn công vào đất Nga, đài CNN đưa tin.
Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh chỉ trích động thái của Nga là một hành động vô trách nhiệm vốn đã tái diễn trong 2 năm qua, thêm rằng Moscow đã ra hiệu rằng sẽ làm như vậy “trong vài tuần gần đây”.
Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh. Ảnh: DVIDSHUB
Bà Singh cũng cho biết Mỹ hiện không “thấy cần phải thực hiện bất kỳ thay đổi nào” đối với thế trận hạt nhân của Washington.
Bà Singh nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, song lưu ý rằng hiện “không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga sắp sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine”.
Phía Nga chưa lên tiếng trước phát ngôn của bà Singh.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân mới, đưa những thay đổi mà ông lần đầu công bố hồi tháng 9 vào thực hiện, theo đài RT.
Ông Putin phê chuẩn học thuyết hạt nhân mới hai ngày sau khi hàng loạt cơ quan truyền thông Mỹ trong đó có tờ The New York Times đưa tin Tổng thống Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp, cụ thể là Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), để tấn công vào bên trong nước Nga.
Những điểm mới trong học thuyết hạt nhân Nga Theo học thuyết mới, Nga có thể sử dụng biện pháp răn đe hạt nhân để ngăn chặn các hành động gây hấn từ các cường quốc thù địch và các liên minh quân sự sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc kho vũ khí quy ước lớn. Điều này cũng áp dụng đối với các quốc gia cho phép nước khác sử dụng lãnh thổ của mình để chuẩn bị và phát động tấn công Nga. Một cuộc tấn công từ một thành viên trong liên minh, dù thành viên đó không sở hữu vũ khí hạt nhân, sẽ được coi là hành động của cả khối. Tương tự, nếu một quốc gia không chính thức thuộc một tổ chức quân sự nhưng nhận được sự hậu thuẫn từ cường quốc hạt nhân, điều đó cũng được xem là hành động tập thể. Học thuyết hạt nhân mới nêu rõ rằng mục tiêu của Nga là đảm bảo “kẻ gây hấn tiềm tàng nhận thức rõ rằng mọi hành động trả đũa đều sẽ không thể tránh khỏi” nếu Nga bị tấn công. Các đồng minh quân sự của Nga cũng sẽ được hưởng sự bảo vệ tương tự. Tài liệu cũng liệt kê 10 mối đe dọa cần được đối phó bằng các biện pháp răn đe, từ việc các bên thù địch sở hữu kho vũ khí hạt nhân, nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt không kiểm soát, đến các hệ thống vận chuyển những loại vũ khí này. Các mối đe dọa khác bao gồm việc tăng cường quân sự gần biên giới Nga, phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, triển khai vũ khí thông thường có khả năng tấn công lãnh thổ Nga, và các âm mưu phá hoại có thể gây ra thảm họa môi trường quy mô lớn. THẢO VY |
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/11 đã phê duyệt bản cập nhật học thuyết hạt nhân dài 8 trang, trong đó nêu rõ Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí...