Lầu Năm Góc lên tiếng về thông tin "bom hạt nhân" bị hư hại tại căn cứ ở Hà Lan
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3/4 đưa ra tuyên bố chính thức sau bức ảnh một quả bom hạt nhân B61 dường như bị hư hại đang được kiểm tra tại căn cứ quân sự ở Hà Lan.
Lầu Năm Góc nói quả bom hạt nhân B-61 bị hư hại thực chất là bom giả.
Lầu Năm Góc nói bức ảnh xuất hiện trong báo cáo của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) về hư hại của bom hạt nhân B61 tại căn cứ không quân Hà Lan là ảnh chụp một quả bom giả.
Trong ảnh, 3 binh sĩ Mỹ, bao gồm 2 người đến từ lực lượng xử lý bom mìn và một dân thường đang kiểm tra bom hạt nhân B61.
Phần sau của quả bom trong ảnh dường như đã bị xoắn do tác động vật lý và một trong các cánh đuôi bị mất. Có băng dính màu hồng được che ở phía sau quả bom.
Bức ảnh được chụp tại căn cứ không quân Volkel ở Hà Lan, một trong 6 căn cứ quân sự ở 5 nước châu Âu mà Mỹ đặt 100 quả bom hạt nhân B61.
B61 vừa là bom hạt nhân chiến lược, vừa là bom hạt nhân chiến thuật cùa Mỹ, tùy vào kích thước đầu đạn hạt nhân. Mỗi quả bom có giá khoảng 28 triệu USD, có sức công phá từ 0,3 kT - 340 kT.
"Tại các căn cứ quân sự, chúng tôi có đội phản ứng được huấn luyện thường xuyên. Bức ảnh trên được chụp trong một cuộc huấn luyện sử dụng bom giả và được lưu lại để tra cứu", Oscar Seara, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói.
Một phát ngôn viên không quân Mỹ ở châu Âu nói: "Mỹ luôn duy trì tiêu chuẩn cao nhất cho các quân nhân và trang thiết bị hỗ trợ kho vũ khí hạt nhân, đảm bảo năng lực cần thiết".
100 quả bom B61 hiện đang được Mỹ đặt tại Hà Lan, Bỉ, Đức, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ. Những quả bom này là tài sản của Mỹ, chỉ được sử dụng khi có sự cho phép của Mỹ. Nhưng các binh sĩ nước thành viên NATO được huấn luyện cách gắn bom hạt nhân lên máy bay chiến đấu và tham gia các nhiệm vụ nếu có.
NATO vẫn thường tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân thường niên. "Bom hạt nhân" được sử dụng trong tập trận là bom giả.
Nguồn: [Link nguồn]
Khác với Mỹ, tất cả vũ khí hạt nhân của Nga đều được cất giữ trong nước và không tạo ra mối đe dọa với Washington, đại sứ Nga tại Mỹ, Anatoly Antonov nói.