Lật tẩy vụ chính trị gia Nigeria âm mưu buôn bán nội tạng ở Anh

Sự kiện: Tin tức Anh

Hôm 5-5, ông Ike Ekweremadu - Thượng nghị sĩ Nigeria đã bị kết án hơn 9 năm tù do liên quan đến vụ buôn bán nội tạng người. Tình tiết vừa được tiết lộ cho thấy, một cựu nhân viên tình báo Mỹ đã thông tin cho Cơ quan phòng chống tội phạm Vương quốc Anh (NCA) về chính trị gia này trước khi ông ta đưa một thanh niên Nigeria đến London để mổ “cướp nội tạng”.

Lật tẩy vụ chính trị gia Nigeria âm mưu buôn bán nội tạng ở Anh - 1

Âm mưu bí mật

Thượng nghị sĩ Ike Ekweremadu (61 tuổi) cùng vợ là Beatrice và bác sĩ Obinna Obeta đã bị Tòa án hình sự Tối cao của Vương quốc Anh (Old Bailey) kết án lần lượt là 9 năm 8 tháng, 4 năm 6 tháng và 10 năm tù. Đây là lần đầu tiên tòa án Anh kết án về tội danh theo luật chống nô lệ hiện đại. Trước đó, vào tháng 3-2023, cả 3 người này đã bị truy tố khi đưa 1 thanh niên 21 tuổi đến Vương quốc Anh để cấy ghép thận cho Sonia (con gái của ông Ekweremadus). Cô Sonia bị suy thận và phải chạy thận thường xuyên.

Các công tố viên cho biết, nạn nhân (vốn làm nghề buôn bán trên đường phố) đã được đưa đến Vương quốc Anh sau khi nhận số tiền 7.000 bảng Anh (8.810 USD) và lời hứa sẽ có việc làm ở nước này mà không biết rằng anh ta sẽ mất đi 1 quả thận. Ông Ike Ekweremadu đã hối lộ một quản lý bệnh viện và sử dụng các tài liệu giả mạo nhằm thuyết phục bệnh viện Hoàng gia London cấy ghép thận của thanh niên đó cho cô con gái ốm yếu của ông. Một chuyên gia tư vấn y tế đã hủy kế hoạch cấy ghép sau khi nghi ngờ sự việc. Nạn nhân đã bỏ trốn, trằn trọc nhiều ngày trước khi trình báo sự việc với cảnh sát Anh vào tháng 5 năm ngoái. “Đây là một âm mưu khủng khiếp nhằm bóc lột một nạn nhân dễ bị tổn thương bằng cách đưa anh ta sang Vương quốc Anh với mục đích cấy ghép thận. Các bị cáo hoàn toàn coi thường phúc lợi, sức khỏe và hạnh phúc của nạn nhân. Họ sử dụng ảnh hưởng đáng kể của mình để kiểm soát cả quá trình, khiến nạn nhân hiểu biết hạn chế về những gì đang thực sự xảy ra” - bà Joanne Jakymec, Trưởng Công tố Vương quốc Anh, cho biết.

Thanh tra Esther Richardson của Cảnh sát London cho biết: “Đây là một bản án mang tính bước ngoặt và chúng tôi khen ngợi nạn nhân vì sự dũng cảm của anh ấy khi lên tiếng chống lại những kẻ phạm tội này”.

Nghi ngờ đã được cảnh báo trước

Theo tiết lộ của Matthew Page - chuyên gia người Nigeria tại Cục Tình báo và nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ (từ năm 2012 đến năm 2016 và hiện là cộng tác viên tại nhóm tư vấn Chatham House), âm mưu này có thể bị lật tẩy nếu chính quyền Vương quốc Anh hành động sau những cảnh báo của ông về nghị sĩ Ekweremadu. Ông nói: “Rõ ràng là chính quyền Vương quốc Anh có nhiều cơ hội để xem xét kỹ lưỡng các hoạt động của ông Ekweremadu tại Vương quốc Anh trước khi mọi việc đi xa đến mức buôn người để mổ lấy nội tạng”.

Trong nghiên cứu được Bộ Phát triển quốc tế của Vương quốc Anh tài trợ một phần, chuyên gia Matthew Page đã xem xét việc các chính trị gia Nigeria (bao gồm cả ông Ekweremadu) sử dụng khối tài sản không rõ nguồn gốc để mua bất động sản trị giá hàng triệu bảng Anh ở Anh và trả tiền học phí đắt đỏ cho con cái họ. Ông nhận thấy, trong vòng 12 năm, ông Ekweremadu chỉ có thể kiếm được khoảng 339.000 bảng Anh theo đúng lương quan chức, bao gồm cả thời gian làm Phó Chủ tịch Thượng viện Nigeria. Nhưng trên thực tế, trong khoảng thời gian đó ông đã mua 3 bất động sản (bao gồm 2 bất động sản ở London và 1 bất động sản ở Cambridge) với tổng trị giá 4,2 triệu bảng.

Với kinh nghiệm hơn 5 năm điều tra các chính trị gia cấp cao của Nigeria, ông Matthew Page cũng cho biết, ông Ekweremadu cũng có một khối tài sản không rõ nguồn gốc dùng để trả các hóa đơn giáo dục đắt đỏ cho 4 người con. Tất cả họ đều theo học các trường tư thục và tiếp tục học lên cao hơn tại các trường đại học ở Anh. Trong một tài liệu năm 2021, ông Page cho biết, vào năm 2020, mức lương trung bình của một chính trị gia cấp cao ở Tây Phi là 16.000 bảng Anh/năm, trong khi học phí trường tư thục ở Anh là hơn 35.000 bảng Anh/năm. Nhà cựu phân tích tình báo kết luận: “Điều đó cho thấy các khoản thanh toán học phí mà họ trả cho các tổ chức ở Vương quốc Anh có thể đến từ dòng tiền bất hợp pháp”.

Thượng nghị sĩ Nigeria Ike Ekweremadu và vợ bị xét xử tại tòa án Anh vì tội mua bán nội tạng

Thượng nghị sĩ Nigeria Ike Ekweremadu và vợ bị xét xử tại tòa án Anh vì tội mua bán nội tạng

Sau báo cáo của Matthew Page, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari cũng đã đề nghị Văn phòng chống gian lận nghiêm trọng của Vương quốc Anh điều tra ông Ekweremadu. Bất chấp những cảnh báo và dấu hiệu đỏ về tài chính được nêu trong hồ sơ, âm mưu buôn bán nội tạng của ông Ekweremadu vẫn không bị phát hiện cho đến khi 1 thanh niên từ Lagos đã đến đồn cảnh sát Staines ở Surrey trình báo vào tháng 5-2022 vì lo ngại cho tính mạng của mình. Ông Page cho biết: “Nhà chức trách Vương quốc Anh rõ ràng nên đặt cá nhân này trong tầm ngắm và không nên cấp thị thực cho ông ta cùng gia đình vì những nghi ngờ tham nhũng lớn. Đặc biệt là sau năm 2017, khi tôi cung cấp bằng chứng rõ ràng về sự giàu có, tài sản không rõ nguồn gốc cùng các giao dịch vượt quá thu nhập công khai”. Ông Page nhận thấy chính trị gia Ekweremadu đã bán 3 bất động sản ở Vương quốc Anh vào mùa thu năm 2021 trước khi trở thành Thống đốc bang Enugu. Hồ sơ cho thấy, chúng đã được bán với giá tổng cộng 5,09 triệu bảng Anh, chênh hơn 874.000 bảng so với số tiền bỏ ra ban đầu. Có thể ông Ekweremadu đã chuyển số tiền kiếm được này về Nigeria.

Một nguồn tin tại NCA xác nhận, họ đã nhận được thông tin của chuyên gia tình báo Page về chính trị gia Ekweremadu, nhưng bác bỏ việc thông tin đó đã bị bỏ qua. Theo phía Anh, thông tin đã được xử lý nghiêm túc, phù hợp và được chia sẻ với các cơ quan thực thi pháp luật ở Nigeria. Thực tế, Tòa án Cấp cao Nigeria đã bác bỏ cuộc điều tra về tài sản bất minh của ông Ekweremadu, còn con trai ông là Ike Lloyd Ekweremadu (vốn là một luật sư) chỉ ra rằng, ông Ekweremadu đã mua bán bất động sản từ năm 1988 nên không có gì lạ khi sở hữu khối tài sản ở nước ngoài.

Tranh luận phía sau phiên tòa

Ông Ekweremadu từng là Phó Chủ tịch Thượng viện Nigeria trong 12 năm. Cũng có một số người đồng cảm với vợ chồng ông vì cho rằng họ rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng để cứu con gái bị bệnh nặng. Trước khi tòa tuyên án hôm 5-5, một số chính trị gia Nigeria bao gồm cả cựu Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo đã viết thư cho tòa án Vương quốc Anh kêu gọi khoan hồng. Hôm 2-5, ông Ahmad Lawan - Chủ tịch Thượng viện Nigeria cho biết, ông đã viết thư cho cơ quan tư pháp Anh đề nghị họ “làm dịu công lý bằng lòng thương xót”. Trong khi ông Femi Gbajabiamila - Chủ tịch Hạ viện Nigeria, mô tả Ekweremadu là “một luật sư xuất sắc, một công chức ưu tú và một người đàn ông tận tụy với gia đình”.

Ông Sidie Mohamed Tunis - Người phát ngôn Quốc hội của khối khu vực Tây Phi (ECOWAS) cho biết đã viết thư cho Chánh thư ký Tòa án Old Bailey để xin sự khoan hồng cho ông Ekweremadus. Ông Ekweremadu từng là Người phát ngôn của Quốc hội ECOWAS từ năm 2011 đến 2015.

Nhưng những lời kêu gọi khoan hồng đã không thuyết phục được tòa án Vương quốc Anh và một số người ở Nigeria đã đặt câu hỏi tại sao các chính trị gia nổi tiếng lại sử dụng ảnh hưởng của họ để biện hộ cho một tội phạm bị kết án. IPC Justice - một tổ chức phi chính phủ chuyên đấu tranh chống tham nhũng trong chính trị đã viết trên Twitter: “Nigeria có tiếng là không thực thi pháp luật đối với giới tinh hoa chính trị. Nếu quan chức lên tiếng ủng hộ sự khoan hồng cho ai đó bị kết án về một tội nghiêm trọng, điều này khiến người ta liên tưởng là họ dung túng cho tội phạm”.

Nguồn: [Link nguồn]

Đường dây bác sĩ ”mổ cướp” nội tạng của bệnh nhân tử vong tại Trung Quốc

Một nhóm 6 người, gồm 4 bác sĩ, bị kết án tù vì mổ lấy nội tạng của bệnh nhân ở Đông Nam Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Chi Guardian/CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Anh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN