Lao động Trung Quốc bị "hắt hủi" tại Indonesia do dịch Covid-19
Tình trạng khan hiếm việc làm cho người bản xứ cùng những thông tin trái chiều liên quan đến nguồn gốc của Covid-19 đang khiến lao động nhập cư Trung Quốc trở thành “nạn nhân” tại Indonesia.
Mới đây, các nghị sĩ tại tỉnh Sulawesi, Indonesia đã bác bỏ kế hoạch đưa 500 công nhân Trung Quốc sang làm việc tại tỉnh này mặc dù những lao động này đã được cấp phép bởi chính quyền trung ương Jakarta.
Lãnh đạo tỉnh Sulawesi – ông Ali Mazi, cho biết, ông ủng hộ hành động này của những nghị sĩ, đồng thời nói thêm rằng, Indonesia hiện chưa sẵn sàng chào đón những lao động người Trung Quốc.
Ông Iqbal – Chủ tịch Công đoàn Indonesia, cho rằng, quyết định cấp phép cho 500 lao động Trung Quốc sang làm việc trước đó của chính quyền trung ương có thể gây ra sự phẫn nộ trong xã hội khi tình trạng thất nghiệp đang gia tăng.
“Lao động Trung Quốc là những người không có nhiều chuyên môn và người dân địa phương sẽ tự hỏi: Tại sao chúng tôi không được giao cho những công việc đó thay vì tuyển người Trung Quốc? Ngày càng nhiều người lao động Indonesia bị sa thải do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng công việc thì vẫn cứ dồn cho người Trung Quốc”, ông Iqbal chia sẻ.
Kinh tế Indonesia rơi vào trì trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (ảnh: SCMP)
Nền kinh tế tại Indonesia đang rơi vào tình trạng trì trệ khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Quy định hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội được thực hiện ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là tại thủ đô Jakarta.
Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý đầu của Indonesia vừa qua là thấp nhất trong 20 năm trở lại đây. Nhiều người tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á đang lâm vào cảnh thất nghiệp và sống nhờ vào trợ cấp chính phủ.
Đến ngày 10.3, Indonesia ghi nhận 14.032 ca nhiễm Covid-19 với 973 trường hợp tử vong.
Bộ Nhân lực Indonesia cho biết, tính đến cuối tháng 4, có 2,8 triệu lao động tại nước này đã bị sa thải, 70 triệu người khác cũng đang có nguy cơ rơi vào cảnh thất nghiệp.
Kinh tế xã hội đi xuống đã thúc đẩy bất ổn xã hội và tình trạng kỳ thị lao động người Trung Quốc gia tăng tại Indonesia.
Trong khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, nhiều người gốc Hoa tại Indonesia đã bị tấn công, nhà và cửa hàng cũng bị đập phá do sự phản đối của người dân bản xứ với những khoản đầu tư đến từ Trung Quốc.
Người Indonesia đốt xe và hàng hóa của người Trung Quốc năm 1998 (ảnh: SCMP)
Năm 2019, Trung Quốc đã đầu tư 4,7 tỷ USD vào Indonesia, tăng gần gấp đôi so với năm 2018. Trung Quốc là quốc gia đầu tư lớn thứ 2 tại Indonesia. Lao động Trung Quốc chiếm tới 30% tổng số lao động nhập cư ở Indonesia (khoảng 32.000 nghìn người).
Trung Quốc và Indonesia sẽ tổ chức kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao vào năm nay. Bắc Kinh từng phát biểu rằng, Indonesia – quốc gia với hơn 270 triệu dân, là một phần quan trọng trong sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.
Khi Covid-19 bắt đầu lây lan ra ngoài biên giới Trung Quốc, nhiều người dân Indonesia đã kêu gọi siết chặt việc nhập cảnh đến từ quốc gia tỷ dân vì có thể mang theo virus.
Vào tháng 3, 39 lao động Trung Quốc đã bị từ chối nhập cảnh tại tỉnh Riau, Indonesia. Lý do được chính quyền địa phương đưa ra là những người này không được cấp giấy phép lao động.
Cùng tháng đó, một lao động Trung Quốc khác cũng bị chính quyền tỉnh Tây Kalimantan từ chối nhập cảnh mặc đù có đầy đủ giấy tờ và chứng nhận sức khỏe.
Tháng 4, một đoạn video xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Indonesia với mô tả, những lao động Trung Quốc tại khu công nghiệp Morowali, tỉnh Sulawesi đang gây rối và biểu tình đình công trong khi người bản xứ thì không có việc làm.
Tuy nhiên, nội dung video sau đó được xác nhận là cuộc đình công của lao động Indonesia diễn ra vào năm ngoái để yêu cầu mức lương tốt hơn.
Một nhân viên y tế đang phun thuốc khử trùng tại Indonesia (ảnh: SCMP)
Khoảng 4.000 lao động đang làm việc tại khu công nghiệp Morowali. Chính quyền tỉnh Sulawesi cho biết, số lao động Trung Quốc này sống trong những khu tập thể tách biệt với người dân địa phương, vì vậy khả năng xảy ra va chạm là tương đối thấp.
Theo Muhammad Zulfikar Rakhmat – chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Indonesia, chính phủ nước này cần lựa chọn một thời điểm khác phù hợp hơn để cho phép lao động Trung Quốc quay lại làm việc, thay vì trong hoàn cảnh hiện tại.
“Trung Quốc và chính quyền Indonesia cần đảm bảo rằng, những lao động, nhà đầu tư người Trung Quốc sẽ không làm bất cứ điều gì vi phạm pháp luật hay có những bình luận tiêu cực để tránh gây ra phản ứng tiêu cực từ người địa phương.
Về lâu dài, Indonesia cần đàm phán những điều khoản lao động tốt hơn đối với phía Trung Quốc, bao gồm cả việc yêu cầu các nhà đầu tư phải đáp ứng hạn ngạch tuyển dụng lao động là người địa phương”, ông Muhammad Zulfikar Rakhmat cho biết.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Hôm 9.5, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, đã phải nâng cấp độ rủi ro Covid-19 sau khi phát hiện ca nhiễm virus xuất hiện trong cộng...
Nguồn: [Link nguồn]