Lạnh nhìn đập Tam Hiệp: Trái bom nổ chậm
Trong số những người lên tiếng phản đối việc thực hiện dự án Tam Hiệp, mạng xã hội Trung Quốc hiện nay nhắc nhiều đến hai cái tên, Hoàng Vạn Lý và Lý Duệ.
Đập Tam Hiệp có công suất xả lũ khổng lồ
Những người kiên trì phản đối
Hoàng Vạn Lý (1911- 2001) là chuyên gia kỹ thuật thủy lợi nổi tiếng ở Trung Quốc, giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, tốt nghiệp Đại học Giao thông Đường Sơn. Hoàng Vạn Lý là người Trung Quốc đầu tiên đỗ tiến sỹ trường Đại học Illinoi, Mỹ. Ngày 19/6/1957, Hoàng Vạn Lý đã cho in tạp văn “Bông hoa nhỏ” trên tạp chí của Đại học Thanh Hoa. Chủ tịch Mao Trạch Đông đọc được, tỏ ý không hài lòng, bút phê “Nói gì vậy?”. Do vậy Hoàng Vạn Lý bị gán tội “phái hữu” bị buộc xuống địa phương cải tạo lao động. Ngày 26/2/1980, ông được Đảng ủy của Đại học Thanh Hoa sửa sai.
Hoàng Tiêu Lộ, con gái nhà khoa học cho rằng, có bốn lý do để Hoàng Vạn Lý phản đối việc xây dựng dự án đập Tam Hiệp. Những lí do đó được ông làm rõ trong ba lá thư gửi cho ông Giang Trạch Dân.
Lí do đầu tiên, ấy là thượng du sông Dương Tử, lòng sông được bồi đắp chủ yếu là sỏi, không phải là trầm tích. Sau khi đập được xây dựng, thì một hòn sỏi cũng không thể thải xuống hạ lưu. Trong vòng mười năm có thể lấp kín cảng sông Trùng Khánh và không ngừng lấn ngược về phía thượng lưu, mùa lũ có thể nhấn chìm cả dải Giang Tân- Hợp Xuyên. Trong khi đó báo cáo thiết kế được tính toán theo điều kiện không có sự bồi đắp của sỏi, mô hình thử nghiệm lại lấy chất liệu trầm tích tạo lòng sông.
Lí do thứ hai, Trung Quốc có nguồn tài nguyên nước dồi dào, được phân bố thích hợp cả về không gian và thời gian, xem xét trên toàn cầu phải xếp thứ nhất, không như Trương Quang Đấu nói là xếp thứ sáu. Trung Quốc chỉ thiếu đất được cung cấp đầy đủ nước để canh tác. Sau khi hồ chứa Tam Hiệp hoàn thành, nó sẽ làm ngập 50 vạn mẫu đất. Và sẽ còn nhiều hơn nữa, làm ngập như thế để đổi lấy điện, thật không đáng.
Lí do thứ ba, về tính kinh tế của công trình, không đứng vững. Nếu tính giá thành sản xuất mỗi ki lô oát điện thì điện Tam Hiệp đắt hơn từ hai đến ba lần so với xây dựng các nhà máy điện cỡ trung và cỡ lớn ở vùng núi. Phương pháp hạch toán kinh tế trong báo cáo là sai lầm. Mười tám năm đầu chỉ có chi trả, chưa làm ra sản phẩm. Càng không thể giải quyết tình trạng thiếu điện hiện nay.
Lí do thứ tư, hồ chứa Tam Hiệp có một số trợ giúp trong việc kiểm soát lũ ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử, nhưng tác dụng không lớn.
Người thứ hai phản đối mạnh mẽ dự án Tam Hiệp là Lý Duệ. Lý Duệ (1917- 2019) người tỉnh Hồ Nam, tốt nghiệp đại học cơ khí Vũ Hán, sớm tham gia đảng cộng sản, từng là thư kí của các ông Cao Cương, Trần Vân và Mao Trạch Đông. Rồi bị bắt tù nhiều lần, sau được phục chức, về hưu với chức vụ Phó Ban Tổ chức trung ương, hưởng đãi ngộ như bộ trưởng.
Lý Nam Ương, con gái Lý Duệ kể, năm 1978, Lý Duệ còn bị quản thúc ở Đại Biệt Sơn. Năm 1979 ông mới được trở về Bắc Kinh, nhận chức thứ trưởng Bộ điện lực và bắt đầu tham gia cuộc tranh cãi Tam Hiệp. Lý do phản đối của ông là xây dựng đập này quá tốn kém. Ông cũng nhấn mạnh rằng đập nước sẽ làm ngập lụt nhiều thành thị và đất nông nghiệp màu mỡ, làm cho các lưu vực trung và hạ lưu sông Dương Tử bị ngập lụt, không giúp ích nhiều cho vận tải thủy. Khi Quốc hội Trung Quốc thông qua dự án với số phiếu phản đối lên đến 1/3, Lý Duệ dặn con cháu, các người phải nhớ, Lý Duệ phản đối Dự án Tam Hiệp cho đến chết.
Trong đội ngũ những người chống lại Dự án người ta cũng nhắc đến tên nhà sinh thái học, viện sĩ Hầu Học Dục. Ông là một trong số ít người từ chối ký tên vào báo cáo môi trường, vì cho rằng báo cáo sai sự thật, đánh giá không đúng phạm vi ảnh hưởng tới môi trường cũng như thiếu các giải pháp cụ thể. Cũng cần phải nhắc đến nhà báo - kĩ sư Đái Tình, người đã xuất bản cả một cuốn sách tập hợp các chỉ trích nghiêm khắc của các nhà khoa học Trung Quốc đối với dự án này. Người ta đã bỏ tù Đái Tình vì những ngôn luận nghịch nhĩ.
Vương Duy Lạc - một chuyên gia về thủy lợi, định cư ở CHLB Đức, nói rằng khi Trung Quốc khăng khăng xây dựng Dự án Tam Hiệp, họ đã không theo kịp tư duy mới về phát triển. Vào những năm 60 thế kỉ 20, theo các nhà khoa học thế giới, xây dựng những đập thủy điện lớn dần trở thành một mô hình bên lề và bị bỏ rơi. Một điểm nữa mà Vương Duy Lạc đề cập là vấn đề kinh phí đầu tư. Theo Vương, chi phí cuối cùng của việc xây dựng đập lớn hơn lợi nhuận mà nó mang lại.
Những nhà bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ văn hóa thế giới cũng lên tiếng phản đối Dự án. Nhưng tất cả chỉ như nhân vật Đông Ky Sốt chống lại cối xay gió.
Lưu vực sông Dương Tử vốn là khu vực giàu có nhất tại Trung Quốc, nuôi sống hơn 400.000.000 người. Đập Tam Hiệp đã được chứng minh là phá hủy toàn bộ hệ thống sinh thái và vận chuyển của sông Dương Tử.
Kể từ khi xây dựng đập Tam Hiệp, khí hậu bất thường đã xảy ra hàng năm ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, thảm họa thường xuyên xảy ra. Hàng triệu người chuyển cư mất đất canh tác không có việc làm, không có tương lai gây ra một cuộc khủng hoảng xã hội lớn. Ô nhiễm nước, động đất do hồ chứa, mực nước dâng cao gây ra lở đất và sụp đổ, mở rộng các khu vực ngập nước hồ chứa, hạn chế vận chuyển sông Dương Tử, làm biến mất các di tích lịch sử, cái chết của động vật và thực vật quý hiếm đã gây ra nhiều thảm họa sinh thái. Các nhà môi trường cảnh báo, đập Tam Hiệp làm giảm dòng chảy phù sa của sông Dương Tử đến 50%. Nó cũng tác động nghiêm trọng tới hệ sinh thái ven sông và ven biển.
Nghiên cứu công bố tháng 4/2006 trên tạp chí Geophysical Research Letters cho thấy, lượng phù sa ở các khu vực hạ lưu sông Dương Tử ở nhiều nơi chỉ bằng một nửa so với trước khi đập Tam Hiệp được xây dựng. Những thay đổi mà việc xây dựng đập Tam Hiệp mang lại cũng có thể tổn hại cho ngư trường ven biển và các vùng đất ngập nước ven biển. Tháng 7/2011, Quốc vụ viện Trung Quốc phải công bố bản “Kế hoạch hoạt động tiếp theo của đập Tam Hiệp”, hứa hẹn sẽ chi 1,24 ngàn tỷ nhân dân tệ (hơn 175 tỷ USD) để khắc phục các vấn đề xã hội và môi trường do con đập khổng lồ gây ra.
Thiên nhiên luôn luôn vĩ đại. Những người đề xướng “nhân định thắng thiên”, muốn dùng ý chí và sức người xếp đặt lại thiên nhiên vĩ đại cũng là kiểu người như Đông Ky Sốt mà thôi.
Trái bom nổ chậm
Các vị lãnh đạo: Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Lý Bằng… quyết định thực hiện Dự án Tam Hiệp không tin rằng có ai đó trên thế giới dám tấn công Tam Hiệp. Lý do: Đầu tiên là đập Tam Hiệp được làm cực kì vững chắc, tên lửa của NATO không thể phá nổi. Hai, chiến tranh có thể dự liệu được. Ba, mọi người đều sợ chiến tranh cực đoan, đặc biệt là phương Tây.
Nhưng đập Tam Hiệp có một số điểm yếu chết người. Nó khác với cấu trúc của nhiều đập trọng lực bê tông trên thế giới, với 26 ống dẫn nước của máy phát điện, cũng như nhiều ống xả lũ và ống xả cát được lắp đặt trong đập. Đường kính của các ống thoát phải đủ lớn để bảo đảm công suất xả lũ là 110.000 mét khối mỗi giây. Nói một cách hình tượng, đập Tam Hiệp giống như một miếng phô mai Hà Lan có nhiều lỗ, tính vững chắc kém. Ngoài ra, đập Tam Hiệp có ba máng với độ sâu 55 mét và chiều rộng 34 mét (một cho thang máy nâng tàu và hai cho âu giữ tàu). Ba máng sâu này chỉ sử dụng một lớp thép tấm che đỡ, một khi lớp thép tấm này bị nổ tung, nó có thể gây ra tác động tương tự như vỡ đập. (Việc phá hủy lớp thép tấm này không cần bất kỳ vũ khí hạt nhân nào cả).
Thành phố Nghi Xương sẽ chìm sâu 20m nếu đập Tam Hiệp bị vỡ
Nếu đập Tam Hiệp bị vỡ, hơn 10 tỷ mét khối nước hồ sẽ được xả trong một thời gian ngắn hiển nhiên dẫn đến thảm họa, thiệt hại rất nghiêm trọng. Dự án thủy lợi Cát Châu, hệ thống đường sắt thành phố Nghi Xương, các khu vực phân lũ lụt của các thành phố Chi Thành, Bách Lí Châu, Kinh Châu ở hạ lưu đập sẽ bị nhấn chìm. Lưu lượng tối đa của đỉnh lũ do vỡ đập sẽ đạt 1.000.000- 2.370.000 m3/giây và dòng lũ sẽ lao về hồ thủy lợi Cát Châu với tốc độ 100 km/giờ.
Khi đó lưu lượng dòng chảy vẫn cao 310.000 m3/giây, sẽ phá vỡ đập Cát Châu nhấn chìm Nghi Xương, tốc độ lũ là 65 km/giờ. Sau 4-5 giờ, mực nước của thành phố Nghi Xương sẽ cao tới 64-71 mét so với mực nước biển. Độ cao trung bình của mặt đất ở thành phố Nghi Xương không đến 50 mét so với mực nước biển. Khi mực nước lũ ở thành phố Nghi Xương đạt 64-71 mét so với mực nước biển, thì thành phố này đã chìm sâu 20 mét.
Nếu đập Tam Hiệp bị vỡ, cư dân của Nghi Xương ít có cơ hội thoát thân, vì nửa giờ sau khi đập bị vỡ, nước lũ đã ập đến. Dân số Nghi Xương là 500.000 người. Tổng dung lượng nước trữ của hồ chứa Tam Hiệp là 39,3 tỷ mét khối, những tính toán ở trên là xem xét ở điều kiện không phải xấu nhất. Lượng nước hồ Tam Hiệp chứa 39,3 tỷ mét khối tương đương với lượng nước của sông Hoàng Hà trong một năm. Sẽ xẩy ra thảm họa cấp nào nếu nước của dòng sông Hoàng Hà tích trữ một năm đổ ụp trong một khoảng thời gian ngắn?
Mặt khác, khu vực hạ lưu đập Tam Hiệp đối với các chiến lược gia quân sự, luôn là chiến trường. Nơi đây cũng là nơi quan trọng nhất để binh lính đồn trú phục vụ. Theo dữ liệu từ năm 1988 đến 1989, các đơn vị đồn trú trong khu vực chiếm: 100% các sư đoàn dù, 45% số quân đoàn, 28% sư đoàn bộ binh và 20% các sư đoàn thiết giáp. Khi đập Tam Hiệp bị vỡ, đội dự bị chiến lược của quân đội lập tức bị lũ đập Tam Hiệp nuốt chửng trước khi tham chiến. Hậu quả là không thể đo lường.
Có người ví von, nền kinh tế Trung Quốc đại lục như cây cung và mũi tên. Cây cung kinh tế là khu vực ven biển, mũi tên là bình nguyên sông Dương Tử. Một khi vùng trung lưu và hạ lưu của sông Dương Tử phải hứng chịu thảm họa vỡ đập Tam Hiệp, cung tên sẽ không còn.
Có người ở Trung Quốc đã sưu tầm các tít báo nhà nước mô tả công trình thủy lợi Tam Hiệp. Xin dùng để thay cho lời kết.
Ngày 1/6/2003: “Đập Tam Hiệp vững chắc có thể chịu được lũ lụt vạn năm mới có một lần”. Ngày 8/5/2007: “Đập Tam Hiệp có thể ngăn lũ ngàn năm mới có một lần”. Ngày 21/10/2008: “Đập Tam Hiệp có thể chịu được lũ lụt trăm năm mới có một lần”.
Ngày 20/7/2010: “Khả năng trữ nước của đập Tam Hiệp là có hạn”. Ngày 22/7/2010: “Hai mươi năm hoạt động, mỗi khi gặp lũ lớn (hồng thủy), toàn bộ lưu vực sông Trường giang bị thử thách”. Ngày 14/6/2016: “Giáo sư Đại học Thanh Hoa bác bỏ quan điểm “Tam Hiệp có thể giải quyết hết: Khả năng kiểm soát lũ không phải là mạnh”.
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc có thể không trực tiếp tài trợ cho siêu đập thủy điện lớn nhất châu Phi chặn dòng sông Nile nhưng Bắc Kinh...