Lãnh đạo Trung Quốc công khai lo ngại về chiến tranh thương mại với Mỹ

Giới lãnh đạo Trung Quốc lần đầu tiên công khai lo ngại về sức khỏe nền kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ chưa có dấu hiệu xuống thang.

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc - gồm 25 ủy viên - hôm 31-10 đồng ý rằng "sức ép đang tăng" lên nền kinh tế cùng với "những thay đổi mạnh mẽ" trong môi trường bên ngoài.

Đây là lần đầu tiên giới lãnh đạo Trung Quốc công khai bày tỏ lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra với Mỹ vào mùa hè này.

Phản ứng này được đưa ra sau khi số liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong tháng 10, một phần do sự sụt giảm mạnh của số lượng đơn hàng xuất khẩu. 

Lãnh đạo Trung Quốc công khai lo ngại về chiến tranh thương mại với Mỹ - 1

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong tháng 10, một phần do sự sụt giảm mạnh của số lượng đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: THX

Bộ Chính trị Trung Quốc nhận định một số doanh nghiệp nhất định đang đối mặt nhiều khó khăn và cảnh báo về sự xuất hiện của những rủi ro mới. Vì thế, Bắc Kinh cần phải tăng cường cải cách và tập trung giải quyết những vấn đề chủ chốt, trong lúc tiếp tục "chính sách tài chính chủ động" và "chính sách tiền tệ thận trọng".

Ngoài ra, Bộ Chính trị Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải "ổn định" công ăn việc làm, tài chính, thương mại, vốn nước ngoài, đầu tư..., cũng như thúc đẩy "sự phát triển lành mạnh lâu dài" của thị trường chứng khoán.

Ông Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng của Công ty JD Finance, nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã đổi quan điểm về viễn cảnh kinh tế đất nước và sẵn sàng cho tác động tiêu cực kéo dài từ chiến tranh thương mại.

Cùng lúc đó, Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết đã lập một nhóm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI), nhấn mạnh Bắc Kinh phải thúc đẩy "sự phát triển lành mạnh" của công nghệ AI. Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc phải phát triển, kiểm soát và sử dụng công nghệ AI để bảo đảm tương lai đất nước trong cuộc cách mạng công nghệ và công nghiệp tiếp theo. 

Bước đi trên cho thấy Bắc Kinh không từ bỏ tham vọng tìm kiếm sự thống trị về công nghệ bất chấp Washington cáo buộc nước này "ăn cắp" và có "những hành vi không công bằng" liên quan đến tài sản trí tuệ.

Mỹ giáng đòn vào đội gián điệp công nghệ máy bay Trung Quốc

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 30-10 đã truy tố một nhóm gián điệp Trung Quốc vì tìm cách đánh cắp công nghệ hàng không từ các công...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Võ - SCMP ([Tên nguồn])
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN