Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ làm gì tiếp theo?

Triều Tiên tuyên bố chắc chắn rằng nước này đã phát triển được tên lửa liên lục địa có khả năng nhằm vào bất kỳ đâu trên đất Mỹ. Lần thử hạt nhân thứ 6 sẽ cực kỳ quan trọng đối với Bình Nhưỡng, vậy nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ làm gì tiếp theo?

Theo Reuters, đó là câu hỏi mà rất nhiều chuyên gia đưa ra “mổ xẻ”.

Bình Nhưỡng đã tuyên bố với cả thế giới, giờ đây là đến giai đoạn “khó khăn” nhất khi hoàn thành mục tiêu mà ông Kim đã đề ra, đó là hoàn thiện đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ và nhẹ đủ để vừa khớp với tên lửa mà không ảnh hưởng đến tầm bắn cũng như khả năng tái nhập bầu khí quyển.

Để làm được vậy, các chuyên gia vũ khí cho rằng, quốc gia bị cô lập này cần phải tiến hành ít nhất một vụ thử hạt nhân nữa, vụ thử lần thứ 6 cũng như thêm nhiều lần phóng thử tên lửa tầm xa. Theo các chuyên gia, hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên tháng trước có vẻ như mới chỉ mang theo một khối lượng nhẹ hơn bất kỳ loại đầu đạn hạt nhân nào mà nước này từng sản xuất được.

Một cách để có đầu đạn nhẹ hơn là tập trung vào phát triển một thiết bị nhiệt hạch hay bom hydrogen, loại bom có sức công phá lớn hơn rất nhiều so với kích thước bề ngoài và cân nặng.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ làm gì tiếp theo? - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tạm hoãn tấn công tên lửa đảo Guam của Mỹ. Nguồn: Reuters

Hans Kristensen, giám đốc Chương trình thông tin hạt nhân của Liên hiệp Khoa học Hoa Kỳ cho hay, Bình Nhưỡng cho biết đã từng thử bom nhiệt hạch nhưng điều này chưa được kiểm chứng. “Để làm được vậy cần phải có thêm một vài vụ thử hạt nhân nữa. Ưu điểm của đầu đạn nhiệt hạch là nó có mang một sức mạnh cực lớn với trọng lượng nhỏ hơn”, ông nhận định.

Choi Jin-wook, giáo sư quan hệ quốc tế tại ĐH Ritsumeikan, Nhật Bản cho rằng vụ thử hạt nhân thứ 6 là cần thiết đối với Triều Tiên nếu như nước này muốn phát triển ICBM mang đầu đạn hạt nhân có thể hoạt động được.

“Để vũ khí hạt nhân có thể triển khai được thì nó cần phải nhỏ và nhẹ nhưng Bình Nhưỡng dường như chưa phát triển được công nghệ này”, ông Choi cho hay.

Tổng thống Hàn Quốc hôm nay (17/8) tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ “vượt qua ranh giới đỏ” nếu gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa liên lục địa và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cảnh báo Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “hỏa lực và cơn thịnh nộ” nếu đe dọa đến Washington.

Kim Jong Un cần phải cân nhắc các rủi ro

Triều Tiên là một quốc gia bí ẩn và khó có thể đoán được những bước đi tiếp theo cũng như không đi theo một lộ trình cụ thể. Cho đến nay, nhà lãnh đạo Kim Jong Un vẫn đang cân nhắc kỹ càng thời điểm thử vũ khí hạt nhân mới bởi sự việc như vậy có thể gây phản tác dụng với đồng minh duy nhất của nước này là Trung Quốc, đồng thời có thể khiến Liên Hiệp Quốc áp đặt thêm các biện pháp trừng  phạt kinh tế nghiêm ngặt hơn.

Một quan chức Hoa Kỳ giấu tên cho hay mặc dù có những hoạt động theo chu kỳ ở khu thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên nhưng khoảng 1 tháng trở lại đây, ông không thấy có bất kỳ chuyển động nào cũng như dấu hiệu về một vụ thử vũ khí sắp diễn ra.

Một quan chức Mỹ khác nói thêm Bình Nhưỡng đã có những bộ phận sẵn sàng để thử hạt nhân trong những tháng tới nhưng gần đây lại chưa có hoạt động gì mới.

Bên cạnh việc phát triển loại bom nhiệt hạch thu nhỏ, một số chuyên gia cho rằng các  nhà khoa học tên lửa của Triều Tiên vẫn chưa làm chủ được công nghệ bảo vệ đầu đạn khỏi sức nóng cũng như áp lực của việc tái hòa nhập bầu khí quyển sau khi phóng tên lửa.

Thứ trưởng quốc phòng Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên cần ít nhất từ một đến hai năm nữa mới có thể phát triển được công nghệ tái nhập khí quyển.

“Việc thu nhỏ đầu đạn ghép vào tên lửa đạn đạo chỉ là một trong rất nhiều thách thức mà Triều Tiên phải vượt qua nếu muốn tấn công Hoa Kỳ bằng tên lửa ICBM. Thiết bị này cần phải “sống sót” khi quay lại khí quyển và kích hoạt được đầu đạn hạt nhân”, David Albright, nhà sáng lập Viện Khoa học và An ninh quốc tế ở Washington nhận định.

Còn theo các quan chức tình báo Mỹ, trong số những việc mà Triều Tiên có thể làm được, đó là họ có khả năng sản xuất được động cơ tên lửa của riêng mình chứ không cần phụ thuộc vào nhập khẩu.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ làm gì tiếp theo? - 2

Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật trên bán đảo Triều tiên tháng 4/2017. Nguồn: Reuters

Thử tên lửa là để tồn tại?

Sau khi lãnh đạo Kim Jong Un đẩy nhanh chương trình phát triển vũ khí kể từ năm ngoái với hàng loạt vụ thử tên lửa cũng như hai lần thử hạt nhân hồi tháng 1 và tháng 9/2016, một số nhà quan sát từng cho rằng vụ thử hạt nhân thứ 6 sẽ diễn ra hồi đầu năm nay.

Nhưng thay vào đó, Bình Nhưỡng đã dùng gần một năm để thử nghiệm nhiều loạt tên lửa khác nhau. Sau lần thử ICBM thứ nhất và thứ hai trong tháng 7, Triều Tiên “dọa” sẽ phóng mưa tên lửa xuống đảo Guam, lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ.

Dù đã tạm hoãn kế hoạch tấn công Guam này, song Bình Nhưỡng vẫn phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nặng, bao gồm cả từ Trung Quốc nếu như tiến hành thêm bất kỳ vụ thử hạt nhân nào.

“Nếu Triều Tiên tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6 thì Trung Quốc có thể sẽ cắt nguồn cung dầu mỏ cho Bình Nhưỡng. Tôi cho rằng Bắc Kinh đã cảnh báo mạnh mẽ đồng minh của mình”, ông Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt về đối ngoại và an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận xét.

Khu vực thử vũ  khí Punggye-ri chỉ cách biên giới với Trung Quốc 100 km và cách Nga 200 km. Các vụ thử vũ khí trước đó đều khiến cả Bắc Kinh và Moscow hết sức tức giận, và ủng hộ nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhà lãnh đạo Kim Jong Un lại thấy rằng việc đe dọa Hoa Kỳ là cần thiết để duy trì sự tồn tại. “Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 nhằm buộc Mỹ phải đàm phán. Tôi không biết chính xác khi nào điều đó xảy ra nhưng vụ thử hạt nhân thứ 6 là lựa chọn ít nguy hiểm nhất đối với Bình Nhưỡng, không mạo hiểm bằng việc phóng tên lửa vào Guam”, Yoo Ho-yeol, giáo sư ngoại giao ĐH Seoul nhận định.

Vở kịch vĩ đại của Triều Tiên và ông Kim Jong-un ”thắng tuyệt đối”

Theo AP, trong một thế giới đan xen những răn đe quân sự, cuộc chơi này mang về chiến thắng tuyệt đối cho ông Kim Jong-un.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuệ Minh - Lược dịch (Infonet)
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN