Lãnh đạo quốc gia NATO đề xuất con đường hòa bình cho Ukraine
Tổng thống quốc gia NATO này lập luận, phương Tây có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine bằng cách cung cấp tất cả vũ khí mà nước này cần.
Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel. Ảnh: Sputnik
Ngày 12/7, hãng tin Seznam Zpravy của Cộng hòa Séc dẫn lời Tổng thống nước này - ông Petr Pavel - cho rằng, Nga có nhiều tài nguyên hơn Ukraine, vì vậy dù có sự hỗ trợ của phương Tây, Ukraine khó có thể tạo ra các đột phá nhanh chóng trên chiến trường.
Tuy nhiên, ông Pavel nhấn mạnh, phương Tây vẫn nên duy trì các nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine, cung cấp cho Kiev tất cả vũ khí cần thiết để khiến Nga nhận ra họ không thể có bước tiến lớn trên chiến trường và phải chấp nhận đàm phán.
Tổng thống Cộng hòa Séc cũng lưu ý, trong bất cứ cuộc đàm phán nào như vậy, phương Tây không nên công nhận các vùng lãnh thổ do các lực lượng Nga kiểm soát là của Nga, mà nên coi đó là các khu vực bị kiểm soát tạm thời.
Ông Pavel còn nhắc lại sự hoài nghi về khả năng Ukraine có thể giành lại các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporozhye, hay Crimea, trong tương lai gần.
Hồi tháng 5, ông Pavel – người từng là chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO – đã nói với Sky News rằng “sẽ là ngây thơ khi nói Ukraine có thể hoàn toàn khôi phục quyền kiểm soát một số vùng lãnh thổ trong tương lai gần. Nga sẽ không từ bỏ các lãnh thổ mà họ đã sáp nhập hoặc đang kiểm soát.”
Tổng thống Cộng hòa Séc cũng dự đoán, “có thể sẽ có một loại thỏa hiệp nào đó” trong các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai, và việc kết thúc xung đột có thể mở đường cho “cuộc thảo luận về khả năng trở thành thành viên NATO của Ukraine". Nga chưa bình luận về phát ngôn của Tổng thống Cộng hòa Séc. Moscow từng nhiều lần tuyên bố việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài thêm, đồng thời cảnh báo các vũ khí này sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của các lực lượng Nga.
Tuần trước, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc gặp với một lãnh đạo quốc gia NATO khác - Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Tại cuộc gặp, ông Putin đã lên tiếng ủng hộ việc "chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột ở Ukraine". Tổng thống Nga nhấn mạnh, xung đột chỉ có thể chấm dứt nếu Ukraine đáp ứng một số yêu cầu của Nga, bao gồm việc rút quân hoàn toàn khỏi vùng Donbass, vùng Zaporozhye và vùng Kherson.
Ngoài ra, còn có điều kiện là Kiev sẽ không tìm cách trở thành thành viên của NATO. Theo đài RT, Ukraine và phương Tây đã bác bỏ điều kiện này, gọi đây là "tối hậu thư không thể chấp nhận được".
Nga cũng gọi "đề xuất hòa bình" gồm 10 điểm của ông Zelensky là một "tối hậu thư xa rời thực tế".
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng quốc gia này tuyên bố luật mới là "một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Nga".