Lãnh đạo phe cực hữu nói sẽ chặn chính sách của Tổng thống Pháp Macron với Ukraine
Lãnh đạo phe đối lập ở Pháp, nữ chính trị gia Marine Le Pen gần đây tiết lộ một số thay đổi trong chính sách của Paris đối với Kiev, một khi đảng Mặt trận Quốc gia (RN) chính thức kiểm soát Quốc hội Pháp và thành lập chính phủ mới.
Nữ chính trị gia Pháp Marine Le Pen.
Bà Le Pen nói đảng đối lập RN theo đường lối cực hữu sẽ cấm Pháp triển khai quân tới Ukraine và ngăn Kiev sử dụng vũ khí do Pháp cung cấp để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga, một khi đảng RN chính thức giành chiến thắng bầu cử và thành lập chính phủ mới.
Bà Le Pen đưa ra tuyên bố hôm 4/7 trên đài CNN, vài ngày trước cuộc bỏ phiếu quyết định hôm 7/7. Bà Le Pen lập luận quyền ra lệnh triển khai quân tới Ukraine thuộc về thủ tướng và ông Macron có quan điểm ra sao cũng không thể tác động.
“Nếu Tổng thống Macron muốn đưa quân tới Ukraine và thủ tướng nói không thì sẽ không có chuyện gửi quân. Thủ tướng mới là người có tiếng nói cuối cùng trong vấn đề này”, bà Le Pen nói.
Nếu phe đối lập do bà Le Pen lãnh đạo giành đa số ghế trong Quốc hội Pháp, Chủ tịch đảng RN, ông Jordan Bardella sẽ trở thành tân Thủ tướng Pháp.
Ông Bardella, 28 tuổi được xem là học trò của bà Le Pen. Năm 2022, ông Bardella được bà Le Pen trao vị trí Chủ tịch đảng RN để bà tập trung cho chiếc ghế tổng thống Pháp vào năm 2027.
Giải thích lý do không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Pháp cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, bà Le Pen nói quyết định như vậy “sẽ khiến Paris can dự trực tiếp vào xung đột”. Đây là quan điểm trái ngược với ông Macron, người tháng trước tuyên bố Ukraine được phép sử dụng vũ khí Pháp để tấn công lãnh thổ Nga nếu cảm thấy cần thiết.
Bà Le Pen cũng khẳng định Pháp vẫn sẽ gửi vũ khí và đạn dược cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Theo RT, bà Le Pen đề ra chính sách cẩn trọng như trên để tránh tạo ra sự xáo trộn quá lớn ở Pháp nếu đảng RN kiểm soát Quốc hội.
Hôm 4/7, tờ Euractiv dẫn lời các nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết, đảng RN do bà Le Pen lãnh đạo có thể đưa Pháp “rút lui mềm” khỏi NATO, nghĩa là Pháp rút khỏi bộ chỉ huy quân sự của khối.
Euractiv nhận định, Pháp hiện đang đóng vai trò lớn trong NATO nên mọi sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược dài hạn của liên minh.
Trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 7/7 tới, đảng RN được dự báo giành 280/577 ghế trong Quốc hội Pháp, vượt mức 50% để kiểm soát Quốc hội và thành lập chính phủ mới.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Emmanuel Macron đã "đánh giá thấp mức độ phản đối của công chúng", một quan chức đảng cầm quyền Pháp nói với báo Mỹ Politico.