Lãnh đạo NATO nói đã có "hậu quả" vì Mỹ chậm viện trợ Ukraine
Theo Tổng thư ký NATO, Mỹ tới nay vẫn là đồng minh lớn nhất của Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: DW
Phát biểu trước các phóng viên ở Brussels (Bỉ) ngày 15/2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng: "Việc Mỹ không thể đưa ra quyết định viện trợ cho đến nay đã gây ra hậu quả. Nó tác động đến dòng viện trợ cho Kiev".
"Ở một mức độ nào đó, các đồng minh khác có thể bù đắp phần nào khoảng trống viện trợ đó", ông Stoltenberg nhắc đến sự hỗ trợ của Canada và EU. "Nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn là đồng minh lớn nhất của Ukraine. Và điều quan trọng nhất vẫn là việc Washington duy trì hỗ trợ".
Tại Washington, ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia, đã đưa ra cảnh báo rõ ràng về thị trấn Avdiivka do Ukraine kiểm soát.
"Avdiivka có nguy cơ rơi vào tay Nga", ông Kirby nói với các phóng viên. "Điều này rất dễ xảy ra vì binh sĩ Ukraine ở đây đang cạn kiệt đạn pháo".
Một quan chức NATO cũng cảnh báo, một số đơn vị bộ binh của Ukraine đang hạn chế sử dụng đạn pháo ở thị trấn Avdiivka và nói thêm rằng Nga đã đạt được "bước tiến đáng kể" quanh thị trấn này.
Theo vị quan chức trên, tên lửa tầm trung và tầm xa - được sử dụng để bảo vệ các thành phố lớn và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine - đang được sử dụng nhanh và nhiều đến mức người Ukraine "khá lo ngại" và người Nga biết điều đó.
Một số quan chức Ukraine ngày 15/2 tuyên bố, quân đội nước này đang rút quân chiến thuật ở Avdiivka, sau khi Lữ đoàn xung kích số 3 - một đơn vị lính tinh nhuệ của Ukraine - được cử đến để chi viện cho binh sĩ Ukraine ở Avdiivka.
Dù đưa ra lời cảnh báo, Tổng thư ký NATO Stoltenberg vẫn lạc quan rằng các nghị sĩ Mỹ sẽ thông qua gói viện trợ quân sự "vì đa số thành viên quốc hội Mỹ ủng hộ Ukraine".
Theo Guardian, tới nay, Mỹ là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine với số trang thiết bị trị giá gần 45 tỷ USD. Các quan chức Lầu Năm Góc hồi đầu tháng 1 tuyên bố không thể cung cấp vũ khí hoặc đạn dược cho Ukraine vì đã sử dụng hết ngân sách do quốc hội Mỹ phân bổ trước đó.
Grant Shapps, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, cho rằng, Ukraine chỉ có thể đẩy lui các lực lượng Nga nếu nhận được hỗ trợ đáng kể và lâu dài.
Ngày 13/2, thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ 95 tỷ USD cho các đồng minh như Ukraine, Israel, Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson vẫn từ chối cho biểu quyết về gói viện trợ 95 tỷ USD tại hạ viện Mỹ, trừ khi gói này phải được bổ sung các biện pháp giải quyết vấn đề nhập cư ở biên giới Mỹ - Mexico.
Thủ tướng và Ngoại trưởng trước thành viên NATO bị Nga phát lệnh truy nã vì “quyết định gây phẫn nộ với ký ức lịch sử”.
Nguồn: [Link nguồn]