Lãnh đạo Myanmar đã làm gì dẫn đến quân đội phát động đảo chính?

Mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi với Tổng tư lệnh quân đội ngày càng căng thẳng khi bà Suu Kyi muốn mở rộng chính quyền dân sự, xóa bỏ quy định trong hiến pháp duy trì ảnh hưởng của quân đội trong chính quyền.

Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing không chịu sự chi phối của lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi.

Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing không chịu sự chi phối của lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi.

Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao bị quân đội bắt giữ vào sáng sớm ngày 1.2. Động thái này diễn ra một tuần sau khi quân đội cảnh báo sẽ can thiệp nếu chính quyền dân sự không giải quyết tranh cãi xung quanh cuộc bầu cử bị nghi gian lận.

Trong cuộc bầu cử tháng 11.2020, đảng cầm quyền NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo. Quân đội ủng hộ phe đối lập tuyên bố không chấp nhận kết quả này.

Ở Myanmar, bà Suu Kyi là người có ảnh hưởng rất lớn. Cha của bà là Aung San, một chiến sĩ cách mạng, chiến đấu giành độc lập khỏi tay người Anh. Ông Aung San bị ám sát vào năm 1947, 6 tháng trước khi Myanmar giành độc lập.

Là con gái ông Aung San, bà Suu Kyi đã có 20 năm bị quân đội quản thúc tại gia vì đấu tranh đòi dân chủ. Bà Suu Kyi là lãnh đạo Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng phe quân đội không chấp nhận kết quả.

Đến năm 2015, vài năm sau khi được quân đội trả tự do, bà Suu Kyi lại giành chiến thắng vang dội, giữ chức cố vấn nhà nước, là người lãnh đạo không chính thức của Myanmar.

Sau khi nắm quyền lực, bà Suu Kyi cố gắng cân bằng mối quan hệ với các tướng lĩnh quân đội. Bà không thể ngăn quân đội chủ trương đàn áp người Hồi giáo Rohingya.

Trong khi đó, lãnh đạo phe quân đội là Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, mới thực sự là người nắm quyền lực lớn nhất ở Myanmar.

Mối quan hệ giữa đảng NLD và phe quân đội ngày càng trở nên căng thẳng khi bà Suu Kyi muốn mở rộng chính quyền dân sự, từng bước thay đổi Hiến pháp sửa đổi năm 2008.

Hiến pháp do phe quân đội soạn thảo đảm bảo rằng quân đội có 25% ghế trong Quốc hội Myanmar. Tổng tư lệnh quân đội cũng nắm toàn quyền chỉ huy các lực lượng vũ trang, cảnh sát, biên phòng, Bộ Quốc phòng. Quân đội được độc quyền kiểm soát một số hoạt động kinh doanh cốt lõi như khai thác khoáng sản.

Hiến pháp năm 2008 cũng cho phép Tổng tư lệnh quân đội Myanmar tiếp quản đất nước trong trường hợp khẩn cấp.

Maitrii V. Aung-Thwin, giáo sư chuyên về lịch sử Myanmar tại Đại học Quốc gia Singapore, nói quân đội hành động trước khi chính quyền dân sự có thể làm thay đổi cơ chế quyền lực hiện tại.

“Họ coi đây là mối đe dọa”, Aung-Thwin nói, diễn giải quyết định quân đội nắm quyền kiểm soát đất nước trong ít nhất một năm. Quân đội đã hành động theo đúng quy định của Hiến pháp Myanmar.

Myanmar là quốc gia do các tướng lĩnh quân đội điều hành trong phần lớn khoảng thời gian kể từ khi độc lập khỏi Anh năm 1948.

Tướng Ne Win lật đổ chính quyền vào năm 1962 vì cho rằng chính quyền dân sự không có đủ năng lực điều hành. Ông kiểm soát đất nước trong 26 năm và trao lại quyền lực cho thế hệ các tướng lĩnh quân đội khác.

Tướng Than Shwe tạo ra bước ngoặt vào năm 2011, khi đồng ý tổ chức bầu cử, chấm dứt sự lãnh đạo của quân đội với đất nước.

Nhưng Hiến pháp sửa đổi năm 2008 vẫn trao phần lớn quyền lực cho quân đội và Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing vẫn là người có ảnh hưởng lớn nhất ở Myanmar.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên BBC vào năm 2018, ông Aung Hlaing nói chưa biết khi nào sẽ trao toàn quyền cho chính quyền dân sự. “Có thể là 5 năm hoặc 10 năm tới. Tôi chưa nói trước được”.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhân vật quyền lực đứng sau đảo chính quân sự, bắt giữ lãnh đạo Myanmar

Tướng Min Aung Hlaing (64 tuổi), Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, còn được gọi là “tư lệnh tối cao” vì nắm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Đảo chính quân sự ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN