Lãnh đạo EU cuống cuồng tìm cách ứng phó Brexit
Sau khi người dân Anh chọn rời EU, các nhà lãnh đạo ở châu Âu đã rất choáng ngợp và lo ngại về tương lai phía trước.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi EU vững vàng và đoàn kết
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã rất bất ngờ trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit (từ ghép của Britain và Exit có nghĩa là nước Anh rời EU). Họ đang kêu gọi EU vững vàng và đoàn kết, đồng thời cũng kêu gọi thay đổi và cải cách sau khi nước Anh bình chọn rời liên minh.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết 27 thành viên còn lại của EU quyết tâm ở lại tổ chức. Thế nhưng các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Ý Matteo Renzi nói rằng EU phải thay đổi và trở thành một tổ chức "nhân đạo và công bằng hơn".
52% người dân Anh đã bình chọn nước Anh rời EU và 48% chọn ở lại sau 43 năm “gắn bó”. Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố từ chức ngay sau khi kết quả được công bố.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker trong cuộc họp khẩn cấp
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm mạnh khi tin tức này được công bố và giá trị đồng bảng Anh cũng giảm đáng kể.
Nghị viện châu Âu đã lên kế hoạch tổ chức một phiên họp đặc biệt vào thứ 3 tuần tới để đánh giá cuộc bình chọn của nước Anh. Ngoại trưởng của 6 quốc gia sáng lập EU Đức, Pháp, Hà Lan, Ý, Bỉ và Luxembourg cũng sẽ họp tại Berlin vào thứ 7.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp.
Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức sau khi đa số người Anh chọn Brexit
EU lo ngại Brexit có thể đảo ngược 70 năm hội nhập của châu Âu.
Katya Adler, phóng viên của BBC cho biết: "Trong nhiều năm theo dõi chính trị châu Âu, tôi chưa bao giờ thấy một sự lan tỏa rộng như thế này của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu (Euroscepticism). Brexit đã thổi lên một hồi chuông báo động, cảnh báo EU hiện tại không hoạt động hiệu quả".
Một số chính trị gia châu Âu, trong đó có Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz, đã bày tỏ sự lo ngại về một hiệu ứng domino từ Brexit có thể đe dọa toàn bộ tổ chức.
Lãnh đạo các đảng thuộc chủ nghĩa hoài nghi châu Âu ở Pháp, Hà Lan và Italia nhanh chóng yêu cầu trưng cầu dân ý ở đất nước của họ sau sự kiện.
Trước kết quả này, lãnh đạo Đảng Độc lập Anh Nigel Farage nói "EU đang hấp hối". Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết đây là "không phải là thời điểm cho các phản ứng nổi loạn". Ông nói rằng ông sẽ "quyết tâm giữ sự đồng nhất của 27 thành viên”.
Nhiều nhà lãnh đạo EU đã rất sốc và mất tinh thần sau cuộc bỏ phiếu. Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier cho biết thứ 6 là "một ngày buồn với châu Âu và Vương quốc Anh", trong khi người đồng cấp Ba Lan Witold Waszczykowski gọi đây là "tin xấu cho châu Âu, tin xấu đối với Ba Lan".