Lãnh đạo Ả Rập Saudi, UAE từ chối cuộc gọi của Tổng thống Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden không thể liên lạc với các nhà lãnh đạo Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sau khi lời đề nghị giàn xếp điện đàm của Nhà Trắng bị từ chối.
Theo báo Wall Street Journal, Nhà Trắng nỗ lực giàn xếp các cuộc điện đàm riêng biệt giữa Tổng thống Biden và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammad bin Salman, Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed al Nahyan nhằm vận động hỗ trợ Ukraine và kiềm chế giá dầu. Tuy nhiên, cả 2 nỗ lực đều bị từ chối.
"Đã có một số kỳ vọng về một cuộc điện đàm nhưng nó đã không xảy ra" – một quan chức giấu tên của Mỹ khẳng định.
Ả Rập Saudi và UAE được cho là lo ngại những động thái mới của Iran về chương trình hạt nhân cũng như sự thiếu phản ứng của chính phủ Mỹ trước những cuộc tấn công tên lửa mới đây của các tay súng Houthi ở Yemen.
Đến giờ, Ả Rập Saudi và UAE vẫn từ chối tăng cường sản xuất để ổn định giá dầu trong khi chính phủ Mỹ khẳng định sẽ làm việc để giải quyết những nỗi lo liên quan đến an ninh quốc gia.
Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang thuyết phục các nước sản xuất dầu tăng nguồn cung để ổn định giá. Ảnh: Reuters
Tổng thống Biden ngày 8-3 cấm nhập khẩu dầu của Nga và dự đoán giá xăng tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng sau khi chạm mức cao kỷ lục 4,17 USD/gallon.
Tổng thống Biden gần đây giải phóng một phần dầu từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ, song ông nói với các phóng viên rằng lúc này ông "không thể làm gì nhiều" để ngăn giá xăng tăng.
Ông chủ Nhà Trắng đang cố gắng thuyết phục những quốc gia sản xuất dầu hàng đầu - bao gồm Iran, Ả Rập Saudi và Venezuela – hành động để bù đắp cho nguồn dầu và khí đốt Nga bị thâm hụt do chiến tranh Nga-Ukraine cũng như lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.
Reuters ngày 8-3 dẫn nguồn thạo tin cho biết giới chức Mỹ đã yêu cầu Venezuela cung cấp ít nhất một phần dầu xuất khẩu cho Mỹ để được nới lỏng lệnh trừng phạt kinh doanh dầu do Mỹ áp lên Venezuela vào năm 2019.
Các quan chức Mỹ đã nói với những người đồng cấp Venezuela rằng ưu tiên của họ là đảm bảo nguồn cung trực tiếp cho Mỹ.
Người dân Nga sắp tới sẽ không thể sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của các thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu như McDonald, Starbuck, Coca Cola và Pepsi.
Nguồn: [Link nguồn]