Làng "livestream bán hàng số 1 TQ": Mỗi ngày bán cả triệu gói hàng, doanh thu bất ngờ

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Sự nổi tiếng của một ngôi làng ở Trung Quốc nhờ nghề "livestream bán hàng" đã thu hút sự chú ý của dư luận. Ngôi làng với diện tích 22 hecta nhưng có tới 1.000 công ty thương mại điện tử.

Ngôi làng "livestream bán hàng số 1 Trung Quốc" thu hút giới trẻ đổ về làm giàu. Ảnh minh họa: Hoàn cầu

Ngôi làng "livestream bán hàng số 1 Trung Quốc" thu hút giới trẻ đổ về làm giàu. Ảnh minh họa: Hoàn cầu

Thời báo Hoàn cầu hôm 14/10 đưa tin, sức hút của ngôi làng giàu lên nhờ nghề "livestream bán hàng" bằng điện thoại đã khiến Long Yuan, cô gái 25 tuổi, rời bỏ công việc nhàm chán, lương thấp ở xưởng giày, vượt hàng trăm km từ quê nhà để tới làng Beixiazhu, ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, hồi tháng 5. 

Yuan cho biết, câu nói cô tâm đắc nhất về ngôi làng này là: "Tại Beixiazhu, bạn có thể làm giàu chỉ với một chiếc điện thoại". 

Có diện tích 22 hecta và 13.000 người dân, làng Beixiazhu nằm ở thành phố Nghĩa Ô và có tới 1.000 công ty thương mại điện tử, 40 chi nhánh chuyển phát nhanh cùng 5.000 người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, kiếm tiền bằng cách quảng cáo sản phẩm thông qua các nền tảng phát trực tiếp (livestreaming) hoặc video ngắn. 

Ngay khi đến Beixiazhu, Yuan đăng ký một tài khoản trên nền tảng Douyin (một phiên bản nội địa của TikTok). Mỗi ngày, cô gái 25 tuổi tới các công ty và nhà máy trong làng để tìm kiếm các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Cô quảng bá sản phẩm với nhiều biểu cảm phóng đại và hài hước trên mặt thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, rồi sau đó chờ người xem trên toàn quốc gửi đơn đặt hàng. Tất cả chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối Internet. Mỗi sản phẩm bán được, Yuan thu về trung bình khoảng 5-10 nhân dân tệ (17 - 34 nghìn đồng). 

Cuối tháng 9, phóng viên của Hoàn cầu bắt gặp Yuan đang quảng cáo một sản phẩm chống nước bên vệ đường. Cô gái 25 tuổi ném sản phẩm vào một chậu nước và hào hứng giới thiệu với người xem qua chiếc điện thoại thông minh đặt trước mặt. Khoảng 10 cô gái trẻ khác, đều là "những người mới" đang chờ tới lượt để quảng cáo các sản phẩm của họ trên cùng tài khoản của Yuan. 

"Bất cứ ai muốn bán hàng trực tuyến đều có thể thử", Yuan chia sẻ với Hoàn cầu, nói rằng trong một giờ có khoảng 30 người quảng cáo sản phẩm chống nước của cô trên tài khoản Douyin. "Ở Beixiazhu, ai cũng có cơ hội", cô gái 25 tuổi nói. 

"Cơn sốt" mua sắm trực tuyến

Yuan cho biết từng nhận được 10.000 đơn đặt hàng cho sản phẩm khăn giấy mà cô quảng cáo trực tuyến, kiếm được gần 100.000 nhân dân tệ (hơn 300 triệu đồng) tiền lãi trong 3 ngày. So với công việc cũ, đó là khoản tiền cô kiếm được trong một năm tại xưởng giày. 

"Tôi rất kinh ngạc vì chưa bao giờ bán được nhiều sản phẩm đến vậy", Yuan nói và gọi đó là "phép màu" vì cô chỉ sở hữu tài khoản Douyin chưa đến 20.000 người theo dõi. 

"Một số người đứng đầu nhóm người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thậm chí còn nhận hơn 100.000 đơn đặt hàng chỉ trong một lần livestream", Yuan cho hay. 

Số lượng đơn đặt hàng khổng lồ là biểu hiện cho "cơn sốt" mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc và phản ánh ngành thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ tại quốc gia tỷ dân này. Hơn 1 triệu bưu kiện chuyển phát nhanh rời khỏi Beixiazhu mỗi ngày, Huang Zhengxing, một quan chức trong làng, cho hay.  

"Cơn sốt' mua sắm trực tuyến lại càng lớn hơn trong bối cảnh nhiều cửa hàng phải tạm đóng cửa do đại dịch Covid-19. Trong tháng 4 và 5, số lượng bưu kiện chuyển phát nhanh hàng ngày rời làng Beixiazhu tăng gấp đôi ngày thường, ông Huang cho biết. Doanh thu của làng trong năm nay có thể đạt tới 30 - 40 tỷ nhân dân tệ (5,9 tỷ USD). 

Zhao Xiaoyan, chủ một công ty thương mại điện tử ở Beixiazhu, cho biết, các sản phẩm thường được bán với giá thấp hơn nhiều thông qua các chương trình khuyến mãi trên livestream. 

"Những tháng này, các doanh nghiệp mong muốn bù đắp thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra nên tìm mọi cách để bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt", bà Zhao nói. 

Trong cửa hàng của bà Zhao, nhiều sản phẩm khác nhau từ thực phẩm đến nhu yếu phẩm hàng ngày được chất cao trên các kệ. Mỗi ngày, bà Zhao và nhóm của mình quảng cáo một vài sản phẩm qua livestream, bán chúng với giá cực kỳ rẻ. Ví dụ như một chiếc cặp học sinh hàng hiệu, trong livestream của bà Zhao được rao bán với giá chỉ 58 nhân dân tệ, bằng 1/4 giá trên trang mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, Taobao. 

Bà Zhao nói, mọi sản phẩm của mình đều là hàng thật. "Tôi chỉ kiếm được 2-3 nhân dân tệ từ mỗi đơn hàng", bà Zhao nói và nhấn mạnh rằng chiến lược của những người bán hàng trực tuyến ở Beixiazhu là "lợi nhuận nhỏ, doanh thu nhanh". Bà Zhao cho biết công ty của bàn tiếp nhận hơn 20.000 đơn đặt hàng mỗi ngày, kiếm về gần 6 triệu nhân dân tệ (20 tỷ đồng) tiền lãi mỗi năm. 

Bà Zhao là một trong những doanh nhân thành công nhất ở làng Beixiazhu. Kề từ khi đến đây vào năm 2018, bà đã mở rộng đội ngũ của mình từ 3 lên hơn 150 người và trở thành hình mẫu làm giàu chỉ sau 2 năm làm việc chăm chỉ. 

Bà Zhao có được thành công, một phần là nhờ môi trường kinh doanh tốt. Bà nói: "Môi trường ở đây cởi mở, trật tự và cạnh tranh lành mạnh". Ngoài ra, bà Zhao còn nhắc đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. 

Với sức hút và môi trường như vậy, ngày càng nhiều người trẻ đổ xô đến Beixiazhu và kiếm tiền bằng chiếc điện thoại thông minh của họ. 

Khủng hoảng tiềm ẩn

Kể từ khi mua bán trực tuyến bắt đầu tại làng Beixiazhu năm 2017, ngôi làng đã xuất hiện nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội như Zhao và Yuan. 

Ông Huang cảnh báo, làm giàu kiểu này là một lối mòn cho hầu hết những người mới vì chỉ 30% trong số họ thực sự kiếm được tiền từ mua bán trực tuyến. 

"20% hòa vốn và 50% còn lại là thua lỗ. Kiếm tiền chưa bao giờ là chuyện dễ dàng", ông Huang nói. 

"Cơn sốt" mua sắm trực tuyến ngoài việc mang đến cho làng Beixiazhu sự thịnh vượng, còn mang theo một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn. 

Theo Hoàn cầu, nhiều chủ công ty và những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội phàn nàn rằng, quá nhiều người đổ đến ngôi làng trong năm nay, khiến giá thuê đất, thuê cửa hàng tại địa phương tăng đột biến. Bà Zhao cho biết, giá thuê các cửa hàng ở Beixiazhu đã tăng gấp đôi trong tháng 5. 

Theo ông Huang, ngôi làng đã ghi nhận hơn 10.000 người ngoài địa phương tới đây để làm các công việc liên quan đến thương mại điện tử trong năm nay, gấp nhiều lần con số trung bình 200 - 300 người trong các năm trước. 

"Việc phần lớn họ đã rời đi hoặc sẽ rời đi trong vòng từ 1 đến 3 tháng quả thật là điều đáng buồn", Zhou Cheng, chủ sở hữu công ty Jiuchen Media với 70 nhân viên có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội thường xuyên livestream bán hàng. 

Zhou nhận định, "cơn sốt" mua sắm trực tuyến hiện nay đã tạo ra một bong bóng lớn cho ngành thương mại điện tử, khi thị trường bán hàng trực tuyến đã mở rộng quá mức. Số lượng người xem của nhiều tài khoản trực tuyến thuộc công ty Jiuchen Media chỉ bằng một nửa so với năm 2019. 

"Nhiều người đã lao vào một cách mù quáng và họ thiếu hiểu biết về bức tranh toàn cảnh", Zhou chia sẻ với Hoàn cầu và cho biết số lượng những người livestream bán hàng đang sụt giảm đáng kể. 

Cậu bé được ví như ”Đức Phật” ở TQ, livestream cả triệu người xem

Cậu bé ban đầu nổi tiếng nhờ vẻ ngoài giống Đức Phật và có rất nhiều người hâm mộ trên mạng xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Thời báo Hoàn cầu ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN