Làn sóng “cướp ngân hàng” lan tràn ở Lebanon
Khi khủng hoảng kinh tế tiếp tục trầm trọng hơn, ngày càng nhiều người gửi tiền ở Lebanon đã chọn cách xông vào ngân hàng và yêu cầu rút tiền tiết kiệm bị mắc kẹt của họ.
Nhiều người “trực chiến” ở ngân hàng để rút tiền tiết kiệm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng
Ông Georges Siam - một cựu Đại sứ Lebanon đã tham gia phong trào “trực chiến” tại ngân hàng bên ngoài Thủ đô Beirut hôm 5-10, từ chối rời đi cho đến khi nhận được tiền của mình. Trụ sở ngân hàng đó là một trong 4 chi nhánh trên khắp Lebanon đã bị những người gửi tiền tràn vào yêu cầu trả cho họ tiền tiết kiệm. Theo vợ ông Siam, người từng là Đại sứ của Lebanon tại Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, UAE và hiện là lãnh sự danh dự của Ireland tại Lebanon từ chối rời ngân hàng ở Hamzieh sau khi chi nhánh từ chối trao cho nhà ngoại giao số tiền ông cần rút hàng tháng. “Đó là tiền của chúng tôi và không cần phải cầu xin”, bà Golda Siam nói và thêm rằng, chồng bà không có vũ khí và tính vốn ôn hòa.
Nhưng ở nhiều nơi, khách hàng có vũ trang cướp ngân hàng để lấy tiền của chính họ. Tháng trước, Sali Hafiz, một phụ nữ đã xông vào chi nhánh ngân hàng Beirut bằng một khẩu súng lục giả và hộp xăng để lấy khoảng 13.000 USD tài trợ điều trị ung thư cho em gái 23 tuổi của mình. Hôm 4-10, hai người đàn ông xông vào các ngân hàng ở Thung lũng Beqaa và Tyre của Lebanon, yêu cầu trả lại tiền tiết kiệm của chính họ. Khu vực họ đang sống hiện đã trở thành biểu tượng cho điều kiện sống tồi tệ đang bị kìm hãm trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Hai trong số những người đàn ông đã dùng súng và bắt con tin.
Cùng ngày, Ali al-Sahli, một sĩ quan đã nghỉ hưu từng phục vụ trong Lực lượng An ninh Nội vụ của Lebanon, đã đột kích một chi nhánh của Ngân hàng BLC ở thị trấn Chtaura phía đông, đòi 24.000 USD tiền tiết kiệm để chuyển cho con trai mình, người đang nợ tiền thuê nhà và học phí ở Ukraine. Ông al-Sahli cho biết, ông đã đề nghị bán quả thận của mình để trang trải chi phí cho con trai sau khi ngân hàng nhiều tháng chặn ông chuyển tiền. Tại ngân hàng, ông al-Sahli vung một khẩu súng ngắn, đe dọa sẽ bắn nếu nhân viên ngân hàng không đưa tiền. Tuy nhiên, người đàn ông này đã không thể lấy được bất kỳ khoản tiền nào của mình và đã bị lực lượng an ninh bắt giữ.
Trên khắp Lebanon, các tài khoản ngân hàng đã bị đóng băng trong hơn 2 năm khi các ngân hàng áp đặt các biện pháp giới hạn số tiền mặt được rút nhằm kiểm soát vốn do khủng hoảng kinh tế leo thang. Khi khủng hoảng tiếp tục trầm trọng hơn, ngày càng nhiều người gửi tiền ở quốc gia Địa Trung Hải này đã chọn cách xông vào ngân hàng và yêu cầu rút tiền tiết kiệm của họ. Các vụ việc này phản ánh sự tức giận ngày càng tăng của dân chúng đối với các ngân hàng và nhà chức trách. Tại Lebanon, ¾ dân số đã rơi vào cảnh nghèo đói trong lúc Ngân hàng Thế giới mô tả đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ qua. Trong khi đó, đồng bảng Lebanon đã mất tới 90% giá trị so với đồng USD, khiến hàng triệu người trên khắp đất nước khó có thể chống chọi với giá cả tăng chóng mặt.
Sau một loạt các vụ khủng bố vào tháng trước, Bộ trưởng Nội vụ Lebanon đã cáo buộc một số nhóm tổ chức các hành vi bất hợp pháp và gây mất ổn định an ninh quốc gia. Hiệp hội các ngân hàng ở Lebanon (ABL) đã đóng cửa tất cả các tổ chức trong một tuần sau sự cố vào ngày 16-9, chỉ mở lại các chi nhánh cho các giao dịch thương mại 10 ngày sau đó. ABL cho biết, các ngân hàng đang chịu “gánh nặng” của một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống do Chính phủ Lebanon và Ngân hàng Trung ương tạo ra. Tuyên bố của ABL hôm 4-10 cũng cảnh báo đồng tiền của quốc gia này một ngày nào đó có thể sụp đổ đến mức tiền sẽ được cân thay vì đếm, và tới thời điểm đó, “hy vọng thu hồi tiền gửi sẽ mất dần”. Hiệp hội Nhân viên Ngân hàng của Lebanon cũng đã kêu gọi một cuộc biểu tình tại chỗ vào ngày 12-10 với yêu cầu tăng cường bảo vệ an ninh cho nhân viên ngân hàng.
Quốc hội Lebanon đã và đang thực hiện một đạo luật kiểm soát vốn chính thức để ổn định tài chính, nhưng việc thông qua dự luật đã bị đình trệ. Trong số các cải cách được lên kế hoạch, chính phủ tuyên bố sẽ bắt đầu điều chỉnh tỷ giá hối đoái chính thức vào đầu tháng 11 với hy vọng tăng dự trữ ngoại tệ. Sự thay đổi này là một phần của các điều kiện do Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra khi cho nước này vay tiền để phục hồi kinh tế.
Nguồn: [Link nguồn]
10 ngày sau khi vụ việc xảy ra theo lời tố cáo, công dân Nga mới dám tới đồn cảnh sát trình báo.