Làn sóng COVID-19 mới đổ bộ châu Á, liệu có quan ngại?
Số ca nhiễm COVID-19 mới ở châu Á đột ngột tăng, có nơi đang cân nhắc bắt buộc người dân đeo khẩu trang.
Những ngày gần đây, số ca nhiễm COVID-19 đột ngột gia tăng ở nhiều nước châu Á. Các nước như Singapore, Ấn Độ, Indonesia... chứng kiến đợt sóng gia tăng mạnh nhất trong khu vực khi có nơi vượt quá 11.000 ca nhiễm mới/ngày.
Những con số gia tăng
Singapore đang trong giai đoạn căng thẳng khi đối mặt với làn sóng COVID-19 mới, với ước tính số ca nhiễm tăng từ khoảng 1.400 ca/ngày trong tháng 3 lên 4.000 ca/ngày vào tuần trước.
Theo tờ The Straits Times, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết khoảng 30% số ca COVID-19 hiện tại là tái nhiễm, cao hơn so với tỉ lệ 20%-25% trong đợt dịch trước. Ông nói thêm rằng tuy số ca nhiễm đang gia tăng, song không có dấu hiệu cho thấy các chủng virus hiện tại gây ra bệnh nặng hơn.
TS Bhatnagar, Giám đốc khoa Nội thuộc BV Paras (Ấn Độ), cho biết điều quan trọng là phải tiếp tục tuân theo các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, tiêm vaccine để giúp giảm sự lây lan của virus và ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.
Số bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng từ 80 lên 220 trong tháng qua thấp hơn nhiều so với những gì đã thấy trong giai đoạn khủng hoảng trước. Theo ông, số ca nhập viện chăm sóc đặc biệt vẫn ổn định và ở mức thấp, với ít hơn 10 bệnh nhân cùng một lúc trong tháng 3.
“Những gì đang xảy ra là minh chứng rõ ràng cho thấy chúng ta đã tiến được bao xa trong việc đối phó với dịch COVID-19. Ngay cả trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 như hiện nay, chúng ta vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường, không bận tâm về số ca nhiễm bệnh” - ông nói.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ được cập nhật ngày 15-4, Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng liên tục, khi con số này đã lên tới 53.720. Tuy nhiên, số ca mắc mới hằng ngày ở quốc gia Nam Á có giảm nhẹ khi ghi nhận 10.753 ca nhiễm mới trong ngày 15-4, trong bối cảnh con số này vượt mốc 11.000 vào một ngày trước đó.
Số ca nhiễm COVID-19 mới đang gia tăng ở nhiều nước châu Á. Ảnh: ISTOCK
Ấn Độ cũng ghi nhận hơn 20 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 15-4, chủ yếu ở các bang Delhi, Maharashtra, Rajasthan, Chhattisgarh, Haryana và Gujarat, theo tờ The Indian Express. Tính trong hai tuần đầu tháng 4, nước này đã ghi nhận tới 153 ca tử vong do COVID-19.
Theo hãng tin Bloomberg, số ca nhiễm ở Indonesia đã tăng lên trong những tháng gần đây khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, với số ca nhiễm hôm 12-4 vừa qua lên tới 987 ca. Theo hãng thông tấn Antara, Trưởng phòng Truyền thông và Dịch vụ công (Bộ Y tế Indonesia) Siti Nadia Tarmizi cũng cho biết trong hai tuần qua, số ca mắc tăng hằng ngày ở nước này đã qua mốc 900, trong khi những tuần trước đó đều ổn định ở mức 200-300 ca mới/ngày.
Theo tờ Philstar, trong những ngày qua, Philippines cũng ghi nhận hơn 150 ca mắc mới. Các ca mắc mới ở các nước nói trên chủ yếu liên quan đến biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron, còn được gọi là Arcturus. Riêng Philippines, các ca nhiễm chủ yếu liên quan các biến thể XBB.1.9.1, XBB.1.5 và BA.2.3.20.
Chính phủ hành động
Tại Singapore, Bộ trưởng Ong cho biết nước này tiếp tục tiến hành giải trình tự gen của các mẫu virus, lưu ý rằng hiện có nhiều biến thể COVID-19 đang lưu hành, bao gồm cả XBB.1.16. “Trong tất cả chủng hiện nay, thực sự không có chủng nào mà chúng tôi nhận thấy là đặc biệt chiếm ưu thế. Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ chủng nào trong số chúng gây ra bệnh nặng hơn” - ông nói, theo The Straits Times.
Tuy vậy, ông cũng lưu ý rằng mặc dù làn sóng hiện tại không nghiêm trọng nhưng các trường hợp mới làm tăng thêm khối lượng công việc vốn đã nặng nề tại các bệnh viện. Ông kêu gọi các tổ chức cộng đồng và các bác sĩ đa khoa hỗ trợ thông tin cần thiết cho người dân, khuyến khích người dân ở nhà và đeo khẩu trang nếu không khỏe, đồng thời tiêm vaccine hằng năm nếu thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc trên 60 tuổi.
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ tăng đột biến hằng ngày, một số chuyên gia y tế đã khuyến cáo người dân đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhiễm COVID-19.
TS Sandeep Nayar (bác sĩ chuyên khoa phổi ở Ấn Độ) cho biết nên bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi đông người. “Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng, điều quan trọng nhất là mọi người phải bắt đầu đeo khẩu trang. Mọi người nên đeo khẩu trang khi đến bất kỳ nơi đông người nào như bệnh viện... vì nó rất hiệu quả trong ngăn ngừa lây nhiễm” - ông Nayar nói.
Hiệp hội Y tế Ấn Độ (IMA) trước đó khuyên người dân không nên hoảng sợ trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng và khuyến cáo người dân nên giữ vệ sinh đúng cách. Các nguồn tin chính phủ cũng nhấn mạnh rằng mặc dù các ca nhiễm đang gia tăng nhưng tỉ lệ nhập viện thấp và vẫn sẽ duy trì ở mức thấp.
Về số ca nhiễm tăng, ngày 13-4, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi người dân tiêm mũi 4, dù nói rằng mức độ miễn dịch cao của đất nước giúp tình hình hiện tại “vẫn được kiểm soát tốt”. Bà Tarmizi thì kêu gọi mọi người tiêm ngay mũi 4 và đi xét nghiệm nếu họ có các triệu chứng.
Trong khi đó, ngày 15-4, Thị trưởng Manila (Philippines) Honey Lacuna-Pangan cho biết chính quyền TP có thể xem xét lại chính sách về việc bắt buộc người dân đeo khẩu trang sau khi nhận thấy số ca nhiễm COVID-19 gia tăng, theo Philstar.
Theo bà Honey, “việc áp dụng lại chính sách đeo khẩu trang bắt buộc vào lúc này là chưa cần thiết” nhưng bà “sẽ tiếp tục quan sát chặt chẽ xu hướng COVID-19 trong những ngày tới để xác định xem việc bắt buộc sử dụng khẩu trang trong nhà và ngoài trời có cần thiết hay không”. Bộ Y tế Philippines cũng kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm mũi 4 trong bối cảnh hiện tại.
Chưa có bằng chứng cho thấy COVID-19 bắt nguồn từ động vật Ngày 14-4, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) Cao Phúc nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có nguồn gốc từ động vật, hãng Reuters đưa tin. Phát biểu tại một hội nghị diễn ra ở thủ đô London (Anh) về công tác ứng phó với đại dịch trong tương lai, ông Cao (người lãnh đạo CCDC từ năm 2017 đến 2022) nói rằng nhiều người vẫn nghĩ một số động vật là vật chủ hoặc trung gian truyền virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng về loài động vật được cho là nguồn gốc gây ra virus này. Theo Reuters, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nguồn gốc COVID-19 vẫn còn bỏ ngỏ, song các bằng chứng hiện tại đều nghiêng về giả thuyết SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật, khả năng cao là dơi. |
Một bản đánh giá 137 nghiên cứu về COVID-19 từ khắp nơi trên thế giới, do các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH McGill (Canada) thực hiện đã chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 có thể...
Nguồn: [Link nguồn]