Làn sóng biểu tình của nông dân lan khắp châu Âu
Các cuộc biểu tình quy mô lớn của nông dân nổ ra tại nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) do giá nhiên liệu và phân bón tăng vọt, trong khi nhà chức trách tiếp tục ban bố một loạt quy định khắt khe mới về môi trường, khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn.
Euronews ngày 22/2 đưa tin, thủ đô Madrid của Tây Ban Nha vừa chứng kiến cuộc biểu tình quy mô lớn nhất từ trước đến nay của nông dân, khi hàng trăm chiếc máy kéo nông nghiệp được lái thẳng vào cổng Bộ Nông nghiệp nước này ở trung tâm thành phố, gây ra tình cảnh lộn xộn. Các cuộc biểu tình của nông dân đã kéo dài suốt hai tuần qua tại nhiều thành phố và đang tăng nhiệt. Nông dân Tây Ban Nha cho rằng, nhà chức trách ở Madrid và EU cần loại bỏ quy định khắt khe về môi trường cùng các chính sách khác, vốn khiến nông sản EU có chi phí sản xuất cao hơn, đắt hơn hàng nhập khẩu EU, dẫn đến thiếu ưu thế cạnh tranh. Trên những chiếc máy kéo, nông dân Tây Ban Nha treo biểu ngữ được in lớn "nông dân sắp tuyệt chủng" và "cuộc sống không thể thiếu nông nghiệp". "Nông dân Tây Ban Nha muốn được bảo hộ. Chúng tôi cần cạnh tranh được với nông sản ngoại", ông Adolfo Albaladejo, 54 tuổi, một người biểu tình, nói.
Nông dân đỗ máy kéo, xe tải kín một tuyến phố chính ở Berlin (Đức) để kêu gọi nhà chức trách bảo vệ ngành nông nghiệp. Ảnh: Bloomberg.
Những gì Tây Ban Nha đang đối mặt chỉ là phần nhỏ trong làn sóng biểu tình của nông dân trên toàn châu Âu. Từ đầu năm 2024, hàng trăm ngàn nông dân tại các quốc gia như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan, Italia và Hy Lạp đã xuống đường vì nhiều lí do khác nhau. Vốn đã gánh chịu tác động của khủng hoảng khí hậu, nông dân châu Âu giờ đây còn phải đối mặt với một loạt vấn đề như giá nhiên liệu và giá phân bón tăng vọt, cùng các quy định môi trường mới hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, giảm khí thải nông nghiệp và thúc đẩy đa dạng sinh học, dẫn đến chi phí sản xuất tăng, đẩy hàng ngàn nông dân và trang trại vào nguy cơ phá sản. Ngoài ra, nông dân EU cũng than phiền về sự bất lợi khi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những sản phẩm của các quốc gia láng giềng có chi phí sản xuất thấp hơn.
Tại Đông Âu, các cuộc biểu tình của nông dân nổ ra chủ yếu để phản đối hàng nông sản có nguồn gốc Ukraine, vốn không phải chịu hạn ngạch và thuế cao từ sau khi chiến sự nổ ra cách đây hai năm. Tại Ba Lan, nông dân nước này đã chặn xe tải chở hàng của Ukraine suốt nhiều tuần. Trong khi đó, nông dân Cộng hòa Czech lái máy kéo vào trung tâm thành phố Prague làm gián đoạn giao thông. Họ đòi hỏi nhà chức trách ngưng nhập hàng nông sản Ukraine vì chúng gây áp lực lên giá cả của châu Âu, trong khi không phải đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất như của nông dân EU.
Tại Đức và Pháp, những nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất của EU, nông dân phản đối các kế hoạch chấm dứt trợ cấp hoặc giảm thuế với dầu diesel nông nghiệp. Nông dân Pháp những tuần qua dựng những bức tường bằng cỏ khô và vật dụng để chặn nhiều tuyến đường chính dẫn vào thủ đô Paris. Một số người quá khích thậm chí đổ phân bón và nông sản hỏng lên các đường phố ở nhiều nơi. Theo Reuters, nông dân Hy Lạp cũng biểu tình vì muốn giảm thuế với dầu diesel. Tại Romania, các cuộc biểu tình vào giữa tháng 1/2024 chủ yếu phản đối giá dầu diesel tăng cao.
Ở cấp độ khu vực EU, nông dân nhiều nước châu Âu tỏ ra bức xúc với việc EU liên tiếp đưa ra các quy định môi trường khắt khe mới, nhất là những thay đổi liên quan đến Thỏa thuận xanh châu Âu và chiến lược Farm to fork (Từ trang trại đến bàn ăn), trong đó có mục tiêu chính sách nông nghiệp như: giảm 20% lượng phân bón sử dụng, cắt giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu từ nay đến năm 2030, hay hạn chế diện tích đất cánh tác của nông dân (EU muốn nông dân không canh tác trên một phần đất của họ trong một quãng thời gian để phục hồi hệ sinh thái).
Trước làn sóng biểu tình lan rộng, chính phủ các nước châu Âu đã thực hiện nhiều biện pháp: Đức thu hẹp các kế hoạch cắt giảm trợ cấp dầu diesel; Pháp hoãn tăng thuế diesel, cam kết hỗ trợ 150 triệu euro cho các nông dân. Từ Brussels, bà Ursula von der Layen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của EU, mới đây xác nhận sẽ xem xét lại quy định yêu cầu cắt giảm thuốc trừ sâu đối với nông dân vào năm 2030. EU cũng tạm dừng thực hiện quy định về đất canh tác trong năm 2024, theo đó cho phép nông dân vẫn nhận trợ cấp mà không bắt buộc duy trì 4% diện tích đất bỏ không. Ngoài ra, EC cũng đề xuất hạn chế nhập khẩu nông sản từ Ukraine, nhưng chưa khiến các nông dân hài lòng do đó là các giải pháp tình thế.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù các cuộc biểu tình của giới nông dân một số nước châu Âu bắt nguồn từ những tình huống cụ thể khác nhau nhưng chúng đều có một điểm chung đó là nỗi bất an của người nông dân và việc họ muốn bảo vệ những quyền lợi cũ, dù đó là quyền được tiếp tục hưởng các khoản trợ cấp hay quyền được sử dụng năng lượng hóa thạch. Cô Anne-Kathrin Meister thuộc Liên đoàn Thanh niên nông thôn Đức (BDL) tuyên bố, nông dân không phản đối cải cách chính sách môi trường, nhưng họ cần sự đồng hành. Theo cô, chi phí máy móc, thuốc trừ sâu, phân bón tăng nhưng năng suất và giá nông sản không tăng tương ứng. "Nông dân là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên khi hệ sinh thái suy thoái", bà nêu quan điểm.
Nguồn: [Link nguồn]
Ông Zelensky kỳ vọng cuộc gặp sẽ diễn ra trước ngày 24/2 - thời điểm đánh dấu xung đột Ukraine bước sang năm thứ 3.