Làn sóng bắt cóc người TQ, thách thức đầu tư ở quốc gia châu Phi
Vụ bắt cóc mới nhất một lần nữa dấy lên mối quan hệ với rủi ro an ninh của người Trung Quốc ở Nigeria, nhưng điều này trong ngắn hạn vẫn chưa ngăn làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào quốc gia châu Phi này.
Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo The Diplomat, từ đầu tháng 7, hai công dân Trung Quốc bị những kẻ có vũ trang bắt cóc ở bang Edo, nam Nigeria. Hai người này làm việc cho một công ty sản xuất kính.
Đây là vụ việc mới nhất trong số hàng loạt các vụ bắt cóc công dân Trung Quốc, đòi tiền chuộc trong vài năm qua. Hồi tháng 4, hai người Trung Quốc khác làm việc cho một công ty xây dựng cũng bị bắt cóc và sau đó được cảnh sát Nigeria giải cứu.
Các vụ việc trên cho thấy sự bất ổn về an ninh, khi làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc đổ dồn vào quốc gia Tây Phi này.
Trung Quốc coi Nigeria là thị trường tiềm năng, vì đây là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Phi, sở hữu nhiều mỏ dầu lớn, với số dân bùng nổ. Hai quốc gia đã cùng hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng, bao gồm xây đường sắt, đường bộ, sân bay và mạng lưới liên lạc. Nigeria hiện đã nhận hơn 70 tỉ USD khoản vay từ Trung Quốc.
Kim ngạch thương mại hai nước đạt 2,8 tỉ USD vào năm 2005 và đã tăng vọt lên tới 12,3 tỉ USD vào năm 2017. Bắc Kinh hưởng lợi lớn khi Nigeria ngày càng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc nhiều hơn, thể hiện sự mất cân bằng thương mại.
Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari là người theo quan điểm ủng hộ đầu tư từ Trung Quốc, dù điều này có thể khiến Nigeria rơi vào bẫy nợ. Tháng 2.2019, Nigeria ký thỏa thuận với Trung Quốc về Sáng kiến Vành đai và Con đường, mở rộng vai trò hợp tác của Nigeria với Trung Quốc trong khu vực.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc chỉ tập trung đầu tư, thu lời từ thương mại và chưa hỗ trợ Nigeria trong vấn đề an ninh, thậm chí là làn sóng đầu tư còn tạo nên thách thức với sự an toàn của công dân Trung Quốc ở Nigeria, theo The Diplomat.
Những vụ bắt cóc đòi tiền chuộc, buôn bán vũ khí trái phép rõ ràng đang tạo nên thách thức mới cho Trung Quốc ở quốc gia Tây Phi này. Ước tính hiện có khoảng 40.000-50.000 người Trung Quốc ở Nigeria, theo số liệu năm 2017.
Một số người tham gia vào các dự án lớn, có liên hệ với chính phủ. Số khác đến Nigeria mở doanh nghiệp, với hi vọng tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Họ phải cảnh giác với sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Boko Haram ở phía đông bắc, vừa phải tránh rơi vào cuộc xung đột nội bộ, vừa phải tự bảo vệ lấy bản thân vì những kẻ phạm pháp coi người Trung Quốc là con mồi béo bở.
Không ít công nhân và bác sĩ Trung Quốc bị sát hại ở các bang Yobe và Borno của Nigeria vào năm 2012 và 2014. Năm 2018, một công ty có chủ sở hữu Trung Quốc đã phải rời khỏi ngừng dự án xây đường kết nối hai thành phố Lokoja và Benin, vì lo sợ bị quấy phá.
Liệu các công ty Trung Quốc sẽ phải chấp nhận đánh đổi như thế nào khi đầu tư vào Nigeria là câu hỏi còn để ngỏ. Nhưng có một sự thật rằng người Trung Quốc ở Nigeria đang trở thành mục tiêu của những kẻ tội phạm, khiến họ phải sống trong lo sợ.
"Bao nhiêu người Trung Quốc đang làm việc tại Philippines, cả hợp pháp và bất hợp pháp? Việc chính quyền Tổng thống...